Trấn Phiên An đương vào cuối mùa khô, tiết trời nóng nực còn cây cỏ trong vườn cũng khô héo vàng vọt. Nếu như là ngày thường thì đám gia nhơn trong biệt thự của Đỗ gia sẽ rút hết vào mấy gian nhà phụ phía sau để trốn nắng. Thế nhưng hôm nay, không khí trong nhà chánh và thơ phòng còn nóng hừng hực hơn cả ngoài trời lúc giữa trưa. Gia chủ và vài vị khách vốn là đồng liêu và bạn hữu đã ở trong đó từ tối hôm qua tới giờ. Gia nhơn đều bị đuổi ra ngoài nên không rõ chuyện gì, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng đập bàn xô ghế, chừng như tanh cãi rất dữ. Đám gia nhơn như họ nghe vậy thì tránh càng xa, thà trốn ở mấy bụi cây hay ngoài căn nhà gác cổng còn hơn.
Chủ nhơn căn biệt thự kia, vị võ quan tên Đỗ Thành Nhơn đương đi tới đi lui trong thơ phòng, mặc cho những người khác vẫn ngồi tại vị bàn tính. Tánh tình ông xưa nay là vậy, hễ gặp chuyện thì quyết định rất nhanh hoặc là nghĩ gì nói đó. Người có học thì nói khéo rằng ông thẳng thắn cương trực, người ít chữ thì biểu là nóng tánh thô lậu. Chuyện lần này ông không thể làm một mình nên phải họp bàn cùng đồng liêu và bạn hữu, bằng không thì ông đã tự mình xuất binh từ lâu rồi, làm gì mà chần chừ tới hôm nay.
– Xế rồi đó, còn không mau đi hầu hạ bà lớn với tiểu thơ rửa mặt.
Lính gác cổng gọi mấy gia nhơn lo chuyện ở nhà sau khi thấy họ còn lảng vảng ngoài này. Trong nhà này, người khó chìu chuộng nhứt vẫn là bà lớn; bà hay la rầy người giúp việc trong nhà. Đối với lính gác cổng, người đã từng theo võ quan Đỗ Thành Nhơn, thì ông không phải là người hà khắc, cũng không chú ý tiểu tiết hay chuyện của người ăn kẻ ở.
Đám gia nhơn nhà sau vừa quay lưng định vào trong thì tiếng vó ngựa xộn xạo tới gần, con ngựa bị kéo cương nên hí dài mấy tiếng. Đỗ võ quan sải bước dài đi ra sân trước, chắc là ông đương chờ người về. Ông nhìn thấy là trai trưởng của mình thúc ngựa vào sân thì hầm hừ hai tiếng rồi trở vô trong. Người ông đương chờ không phải là trai lớn Đỗ Điền Lâm mà là con trai thứ Võ Nguyên Chiêu. Con trai lớn Điền Lâm tánh tình chẳng khác gì ông, nóng nảy và võ đoán, chẳng giúp ích gì trong lúc này.
Đối với trai thứ Đỗ Nguyên Chiêu lại khác, tánh tình ôn hòa, ham đọc sách và luyện võ. Từ khi Nguyên Chiêu lên mười, ông đã gửi con tới học chỗ Sùng Đức tiên sinh cho tới nay. Đầu năm nay Nguyên Chiêu vừa tới tuổi nhược quán nên Võ tiên sinh cho phép về nhà, kịp thời giúp ông nhiều việc lớn trong thơi buổi loạn lạc này.
Mấy năm trước, Tây Sơn khởi binh diệt loạn Trương quốc cựu; ban đầu thì lấy danh nghĩa phò trợ hoàng tôn Phúc Dương còn sau đó thì cứ lấn tới, giả mù sa mưa, trong ngoài bất nhứt. Cho tới năm rồi, khi Tây Sơn bắt tay cùng họ Trịnh diệt trừ Quốc chúa thì không ai còn nghi ngờ gì nữa. Tây Sơn đã tự xưng vương, lấy thành Quy Nhơn làm kinh đô rồi tiếp tục truy đuổi hậu nhơn Quốc chúa. Thế cùng Quốc chúa một đường vừa đánh vừa lui từ Phú Xuân, tới Bình Thuận và sắp tới đất Gia Định.
Đỗ tướng quân mặc dầu chỉ là võ quan nhỏ coi việc tuần tra ở trấn Phiên An nhưng trung quân ái quốc không kém thua ai. Từ lúc nghe tin quân Tây Sơn khởi binh làm phản thì trong lòng đã tức giận khôn nguôi. Ông vì chữ trung nên muốn xuất quân cứu giá và còn vì tức giận quân Tây Sơn bội nghĩa phản nghịch mà quyết tranh hùng khí. Tiếc rằng quân binh dưới tay không nhiều, sĩ khí của Tây Sơn quá lớn nên ông không thể một mình chống cự. Bằng hữu xa gần muốn hiệp tác cùng với ông thì phải có danh nghĩa hẳn hoi, bằng chẳng thì thiên hạ lại tưởng rằng ông sanh lòng phản trắc chẳng khác nào Tây Sơn.
Nguyên Chiêu cũng khuyên nhủ ông nên cẩn trọng, liệu tính châu toàn rồi mới chiêu binh mãi mã. Lần này Nguyên Chiêu trở lại tìm thầy của mình, Sùng Đức tiên sinh, để xin lời khuyên. Chẳng bao lâu nữa, Định vương sẽ chạy tới Trấn Biên rồi, ông muốn sẵn sàng ứng cứu đa. Ông rất nóng lòng trông đợi, càng mong ngóng thì lại càng nôn nóng đa.
Khi mặt trời sắp lặn đàng tây thì Nguyên Chiêu cũng về tới nhà. Hắn nhảy xuống ngựa, gật đầu cảm ơn tên nài nhỏ thó còn đương vất vả kìm cương, trấn an con ngựa còn mải mê muốn tung sức.
– Công tử, lão gia trông dữ lắm đa!
– Ừ, trả công cho chú nài dùm tôi, coi phụ chăm sóc con ngựa nữa.
– Dạ, dạ, công tử để em.
Nguyên Chiêu sải bước đi thẳng vào thơ phòng. Trên đường trở về, hắn đã nghe đặng nhiều tin tức nên biết phụ thân rất nóng lòng. Thầy vốn đã lui về ẩn cư ở cồn nhỏ gần cửa sông Ba Lai khi tuổi quá lục tuần. Những học trò theo thầy tới cồn Thanh Qui không nhiều, phần vì cồn này xa xôi, cách biệt hẳn với chốn phố thị phồn hoa; phần chính là vì thầy không muốn tranh đua với thế tục. Thế nên khi hắn hỏi xin lời khuyên về chuyện của cha thì thầy lặng im rất lâu không muốn nói. Sau cùng, có lẽ vì thấy hắn thành tâm nên mới mở lời, chỉ vài câu ngắn ngủi, ý nghĩa trong đó không quá rõ ràng. Hẳn là thầy muốn hắn tự mình suy gẫm.
– Rốt cuộc tiên sinh nói cái gì? Sao con cứ ngẩn người,
Từ lúc vào phòng tới giờ, Nguyên Chiêu chỉ hỏi ngược lại mọi người về tình huống ở Phiên An và cuộc truy đuổi mà không nói rõ lời chỉ dẫn của Sùng Đức tiên sinh. Thế nên Đỗ võ quan không giằng được hỏi lớn.
– Cha, thầy con ẩn cư đã lâu nên không có lời khuyên bảo gì. Thầy chỉ dặn rằng, ‘’ cờ theo thế, nước theo quân’’. Con trộm nghĩ, nếu chúng ta có lòng trung quân thì phải ra sức ứng cứu. Còn về việc danh nghĩa, Tây Sơn khởi binh làm loạn thì chúng ta dùng Đông Sơn cứu giá an dân.
– Đông Sơn?
– Thưa phải, con nghĩ ai nghe thấy hai chữ Đông Sơn cũng sẽ hiểu rõ ý định của chúng ta.
Một vị là bằng hữu của Đỗ võ quan tên Võ Nhàn đứng dậy ra chiều phấn chấn rồi góp lời.
– Hay là gọi thêm Huỳnh Tường Đức ở Long Hồ cùng góp sức.
– Phải đa, có huynh ấy thì việc sẽ thuận lợi hơn.
Mọi người chỉ bàn luận tới kế hoạch chuẩn bị quân binh đi cứu giá mà không chú ý tới Nguyên Chiêu nữa. Trong khi đó, hắn vói tay dùng bút lông và nghiên mực trên bàn, vuốt phẳng tờ giấy rối vén tay áo viết xuống hai chữ Đông Sơn.
Tới lúc này thì mọi người trong phòng mới nhìn xuống tờ giấy rồi đều gật đầu tán thưởng. Thực ra thì vốn là võ quan, chuyện thư bút kỳ nghệ gì đó đều không rành không giỏi nhưng nét chữ trên giấy quả thực bất phàm, vừa đẹp mắt vừa có khí phách, trong phóng khoáng lại có sự tinh tế phong nhã.
– Rồi, đem đi thêu đi. Chúng ta phải lo bên ngoài, chuyện trong nhà và hậu cần đều do con định liệu.
Đỗ Điền Lâm nháy mắt cười với ‘’hiền đệ’’ của mình. Ai biểu đệ khoe tài học, văn hay chữ tốt nên cha chỉ cho ở lại phía sau mà lo hậu cần. Như hắn vậy, thích xông pha trận mạc, đánh đánh chém chém ở tuyến đầu cho thỏa chí.
Định vương, Đông cung và hoàng tôn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi từ Chánh Dinh tới vùng vịnh Gành Rái rồi lên bờ chạy riết vào Trấn Biên. Ba người họ đều là vương tôn hoàng tử, chưa từng gặp cảnh khốn đốn như lúc này. Định vương lớn tuổi nhứt cũng chỉ vừa hai mươi mốt, còn hoàng tôn Phúc Ánh chỉ mới mười ba, tình cảnh hôm nay chỉ có thể trông cậy vào trung thần. Họ đã truyền chỉ cho các võ quan trấn thủ đem quân cứu giá, thế nhưng khi xa giá đã vào sâu địa phận Trấn Biên mà chẳng thấy ai. Phía sau thì Tây Sơn vẫn còn theo dấu, từng trận đánh tới, sắp chiếm luôn Trấn Biên.
Bây giờ là đầu mùa mưa, cái nóng từ mặt đất dội lên khiến không khí hầm hập rất khó chịu. Đoàn người của Định vương đã quá vất vả, gặp lúc khí trời này nên đổ bịnh, chẳng thể nhấc nổi chưn, rất muốn buông xuôi. Chỉ có hoàng tôn Phúc Ánh là vẫn còn muốn cự, hắn chạy lên đỉnh đồi, leo lên cái cây cao nhứt rồi dõi mắt nhìn bốn phía.
Phía tây nam, dưới chưn đồi có đám bụi mờ đương di chuyển, hắn mừng rỡ gọi tùy tùng cùng lên coi thử. Tùy tùng nhìn qua ống dòm rồi đưa lại cho hắn nói.
– Hoàng tử nhìn ra cờ hiệu của họ chăng? Không phải là của Nguyễn Chưởng cơ cũng không phải là cờ của Tống trấn thủ đất Long Hồ.
– Đông Sơn, là của ai?
Võ tướng tùy tùng lắc đầu, hắn chưa từng nghe nói tới đội quân nào mang cờ hiệu Đông Sơn.
– Không cần biết là của ai, chắc chắn là kẻ đó muốn đánh giặc Tây Sơn. Ta trình với Vương, ngươi tập họp quân lính, chạy nhanh về phía đó. Chúng ta … có cứu binh rồi!
‘’Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn’’, hoàng tôn Phúc Ánh nghĩ vậy rồi mới nói mấy tiếng sau cùng với võ quan tùy tùng.
Nghe nói có cứu binh, đoàn người như được tiếp thêm sức rồi hối hả lên đường. Quả vậy, đến cuối ngày hôm đó đoàn người cũng giáp mặt với quân lính Đông Sơn do Đỗ Thành Nhơn chỉ huy đi cứu giá.
Theo lời của Đỗ Thành Nhơn thì Tống trấn thủ đã đi đón Vương bằng đường thủy mà không hay rằng Vương đã bỏ tàu chạy vào đất liền. Đỗ Thành Nhơn cho lính truyền tin cho Tống trấn thủ và Nguyễn Chưởng cơ, định nơi tiếp ứng.
Từ khi bắt đầu mùa mưa, quân Tây Sơn và quân Đông Sơn liên tiếp giao chiến. Quân Tây Sơn đông hơn nhưng thủy thổ chưa quen lại gặp sự chống cự của dân chúng nên không giành đặng chiến thắng toàn diện. Quân Đông Sơn chặn đánh dọc đường để Vương thoát thân và vẫn có ý chờ viện binh nên hai bên cứ dùng dằng. Chiến địa kéo dài từ Trấn Biên cho tới vùng ven Gia Định thì ngừng lại.
Dân chúng trấn Phiên An đã biết tin giao tranh giữa hai quân Đông Sơn và Tây Sơn. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi ý đều bắt đầu rục rịch hành động, có nhà thì chuyển tới cùng nông thôn hẻo lánh tránh giặc, có nhà thì vẫn thản nhiên ở lại phố chợ mua mua bán bán. Nói cho cùng thì quân lính cần đồ ăn thức uống, họ chỉ là thương nhơn, bán cho ai miễn có lời là đặng.
Đỗ Nguyên Chiêu ở lại trấn Phiên An lo chuyện hậu cần. Sau khi biết tin quân Đông Sơn đã có tiếp ứng của Tống trấn thủ thì yên tâm phần nào, hắn thu xếp việc nhà xong thì lên tàu đi cồn Thanh Qui. Hắn lo lắng thầy chưa biết tin về chiến sự và cũng e ngại chiến sự lan xa nên tìm thầy bàn cách.
Cồn Thanh Qui không lớn, ngoài ngôi nhà và chỗ dạy học của Sùng Đức tiên sinh thì chỉ có ba hộ khác sinh sống. Lúc Nguyên Chiêu tới cồn thì trời đã xế chiều nhưng hắn không thấy khói bếp bay lên như thường lệ. Hắn lập tức hối bạn chèo nhanh tay hơn. Nước đương ròng, dòng chảy cứ cuốn chiếc tàu ra cửa biển khiến họ tiến lên rất chậm. Nguyên Chiêu giằng lòng lo lắng, thầy cô và tiểu sư muội Thanh Hoa sẽ không sao đâu. Hắn tự nhủ lòng như vậy nhưng ánh mắt vẫn chăm chú nhìn về cồn, cố tìm ra hình dáng Thanh Hoa giữa màu xanh sẫm đàng xa. Trời tối dần, không thấy có ánh lửa nào, chẳng lẽ không có ai trên cồn, đã rời đi hết rồi sao? Có khi nào hắn không thể gặp lại Thanh Hoa?