Chương 02: Thanh Qui cư không còn thanh bình

Trên cồn không còn người nào cả, gà vịt nuôi trong nhà của ba hộ dân lân cận cũng không thấy nữa. Nhóm bạn chèo quay trở lại sân trước của gian nhà lá ba gian rộng rãi của Sùng Đức tiên sinh. Họ đốt đống lửa lớn giữa sân rồi bắt bếp chuẩn bị bữa ăn tối.

Nguyên Chiêu vẫn còn đi quanh mấy gian nhà ở phía sau là chỗ ở của tiên sinh và các học trò. Chếch về phía đông của gian nhà chánh có một biệt khu nhỏ bao xung quanh là hàng dậu còn thưa thớt vì dây nhãn lồng và đậu rồng còn khô kéo. Biệt viện đó chỉ có hai gian nhà nhỏ rất sạch sẽ tươm tất. Gian nhà trên là phòng ngủ và thơ phòng; gian nhà dưới là bếp với giàn nước. Nơi đây không có phòng khách, đơn giản vì người ở đây là một cô nương nên đâu thể tiếp khách ở chốn riêng tư này. Chỗ này chính là tư thất của Thanh Hoa, dưỡng nữ của Sùng Đức tiên sinh.

Từ sân khách muốn vào tư thất của Thanh Hoa phải qua hai lần cổng. Nguyên Chiêu có hơi lúng túng khi đưa tay mở cổng, ngày thường thì học trò không dám tới đây nhưng hôm nay tình huống đặc biệt nên hắn đành tự tiện làm càn. Vườn rau vẫn xanh, ao cá phẳng lặng in bóng trăng gầy, Nguyên Chiêu vấp phải cái gì đó ở hàng hiên xém té. Hắn dừng lại gọi vọng vào.

– Thanh Hoa, muội có trong đó không? Huynh là Nguyên Chiêu, muốn tìm thầy cô và muội để báo tin. Thanh Hoa, huynh … vô trong đặng không?

Dẫu biết là sẽ không có người trả lời nhưng hắn vẫn nói năng rành rọt.

– Thanh Hoa!

Hắn gọi thêm một tiếng nữa rồi mới đốt ngọn đuốc cắm ở hàng hiên trước. Nguyên Chiêu đẩy hai cánh cửa chính ra, gian phòng phía trong nhập nhoạng sáng tối lay động. Hắn chưa từng tới đây nên vừa muốn nhìn cho rõ vừa ngại ngùng vì e mình làm chuyện vô lễ với tiểu sư muội.

Phu thê Sùng Đức tiên sinh chỉ sanh một gái, rồi vì dịch bịnh mà mất khi tuổi vẫn còn nhỏ nhiều. Ở tuổi xế chiều, Sùng Đức tiên sinh thấu hiểu sự đời lại vào lúc loạn lạc nên mới tìm nơi thanh vắng ẩn cư. Trước đây, ông tình cờ đến cồn này du ngoạn trong một chuyến nhàn du. Người dân gọi là cồn Rùa vì nơi này thường có loài rùa nhỏ đến đào hang đẻ trứng hàng năm; loài rùa ở cồn này có điểm đặc biệt là cái mai trước thường có ẩn hình hoa màu xanh rất đặc trưng.

Từ lúc Sùng Đức tiên sinh về đây ẩn cư, ông đã dùng tên chữ Thanh Qui để gọi cồn này. Tuy rằng ẩn cư nhưng học trò và khách văn vẫn thường lui tới, bến đò nhỏ hình thành rồi ba hộ gia đình ở bờ bên kia chuyển vô đây ở chung. Sau đó vài năm, trong một cơn bão lớn  người làng bên kia vớt đặng một bé gái chừng năm sáu tuổi. Duyên nợ thể nào mà phu thê hai người đem về nuôi dưỡng. Bé gái không nhớ nhiều về cha mẹ ruột thịt của mình nên tiên sinh đặt tên chữ là Thanh Hoa.

Thấm thoát đã mười năm trôi qua, cuộc sống thanh bần ở cồn Thanh Qui và qua sự rèn giũa của phu thê Sùng Đức tiên sinh đã dưỡng bé gái Thanh Hoa lớn lên mà không chịu chút phiền muộn nào. Thanh Hoa, tên như người, càng lớn càng xinh đẹp như hoa. Nàng không có nét đẹp sắc xảo của giai nhơn nghiêng thành mà nghiêng nước trong sách vở; ở nàng là nét thanh tân rạng ngời như bông huệ trắng ngần hé nở trong sân vườn đầy nắng. Nàng cùng dưỡng mẫu chăm lo trồng rau trong vườn, nuôi cá trong ao. Lúc rảnh rỗi nàng sẽ theo dưỡng phụ học chữ, đọc sách và chép kinh thi.

– Thanh Hoa!

Nguyên Chiêu gọi lớn lần nữa khi đi vòng từ hào cá trở lại hiên trước. Lúc đi ngang qua cửa sổ lớn, hắn thoáng thấy có gì đó trên kệ sách mà lúc nãy không chú ý. Hắn dừng lại, nhìn kỹ hơn rồi nét mặt hiện lên chút vui mừng. Đó là hai cái chậu sứ tráng men nâu lớn hơn hai vòng bàn tay một chút. Hắn vội xô cửa đi vào trong, một bầy cá kiểng tung tăng bơi lội như chưa hề bị chủ của chúng bỏ rơi, có thể phải chết đói trong chậu này.

À không, Thanh Hoa sẽ không để tụi nó chết đói trong chậu đâu!

Học trò ở Thanh Qui cư ai cũng biết tiểu sư muội Thanh Hoa rất thích nuôi cá kiểng. Nói đúng ra thì hễ con cá nào có màu đẹp một chút thì muội ấy đều ưa thích, sẽ nâng niu nuôi chúng trong cặp chậu sứ này.

Nếu như đám cá còn ở đây hẳn là sẽ có người trở lại. Lần trước về đây vào cuối mùa khô vẫn còn hai học trò nhỏ, bây giờ đương mùa xạ lúa hẳn học trò đã về nhà hết nên thầy cô mới không thể mang theo quá nhiều đồ, đành để lại vài thứ lấy sau. Hắn sẽ ở lại đây chờ, ít ra phải biết thầy cô dời đi đâu, có an toàn không thì mới an lòng.

Nguyên Chiêu nghĩ vậy nên thong thả đi trở ra hiên trước. Hắn lấy cây đuốc khỏi bệ cắm, đứng nhìn gian nhà giây lâu rồi mới trở bước ra ngoài.

Oạp, oạp oạt.

Có tiếng gì như cá quẫy đuôi dưới hào nước nhưng tiếng quẫy rất đục, hẳn là con cá lớn. Nguyên Chiêu hiếu kỳ cầm cây đuốc đi sát bờ cỏ chợt nghe giọng càm ràm.

– Đệ, thiệt là dở tệ! Có vậy mà chịu không nổi!

Nguyên Chiêu hơi hoảng, giọng nói đó rất quen thuộc. Hắn vội vàng chạy tới chỗ bụi cây rậm rạp ở mé hào liền thấy hai bóng đen nửa chìm nửa nổi ở đó.

– Thanh Hoa?

– Phải, huynh đừng có la lớn. Nè, kéo muội lên đi!

Lúc Nguyên Chiêu nắm đặng bàn tay nhỏ mềm mại của tiểu sư muội thì tâm tình rất loạn, vừa bối rối vừa mừng rỡ. Muội ấn vẫn còn ở đây, hắn không cần phải lo lắng ngày đêm nữa. Thế nhưng sau đó, khi hắn kéo thêm một người khác, là một thiếu niên dáng người hơi nhỏ thì có hơi hoang mang.

– Cha có để lại thơ cho huynh đó. Lát nữa muội đưa … ý, huynh đừng cho ai biết, đừng cho ai biết có nó ở đây.

Tiếng ‘nó’ khiến thiếu niên kia hậm hực trong cổ họng, phủi tay áo ướt đẫm rồi quay mặt đi. Trong một thoáng, Nguyên Chiêu nhìn thấy gương mặt tuấn tú của thiếu niên, đặc biệt là làn da trắng nõn và đôi mắt đen thẳm tinh anh.

Thanh Hoa vói tay lấy cây đuốc dụi xuống đất cho tắt. Muội ấy nói nhỏ với Nguyên Chiêu.

– Muội vớt nó ở bờ bên kia, đem về đây mấy ngày thì cha nói cồn Thanh Qui không còn an toàn nữa, phải rời đi.

– Vậy sao muội ở lại?

– Nó bị thương … với nữa cha nói thể nào huynh cũng trở lại. Muội giao cho huynh lá thơ thì huynh sẽ hiểu. Hứ, cha không cho muội coi, …

Sau tiếng hứ đó là điệu bộ hờn dỗi thường ngày của Thanh Hoa. Trong bóng trăng mờ ảo, Nguyên Chiêu dường như vẫn thấy rõ dáng điệu đó, hắn bất giác mỉm cười rồi cởi áo ngoài khoát lên cho Thanh Hoa.

– Lạnh không? Muội đã ăn uống gì chưa?

– Dạ, ăn chiều rồi. Mà bên kia nấu món gì vậy, coi thơm ghê!

– Muội vô phòng đi, huynh qua đó coi là món gì … lát nữa quay lại. Mà nó …

– Không sao, nó yếu ớt lắm! Hồi nãy lặn xuống nước trốn một lát là hết hơi trồi lên rồi!

Nguyên Chiêu quan sát thiếu niên đi đàng trước, chừng khoảng mười ba mười bốn, cái lưng thẳng tắp và bờ vai còn gầy yếu chứng tỏ hắn không phải con nhà nông cũng chưa từng làm lụn chưn tay. Thần sắc thâm trầm đó không hợp với gương mặt trắng trẻo mịn màng kia. “Hẳn là thầy đã nhận ra thân phận của thiếu niên,” Nguyên Chiêu nghĩ thầm trong lòng rồi dặn Thanh Hoa ở lại bên này. Hắn ra chỗ nhóm bạn chèo nói:

– Thầy cô tôi chắc là tìm nơi lánh nạn. Cái này là tiền công của mọi người. Sáng mai chúng ta vô bờ thôi. Tôi sẽ từ từ hỏi thăm thêm,

Nói tới đây Nguyên Chiêu giả thở dài một hơi. Nhóm bạn chèo vừa chia tiền công vừa nói mấy câu an ủi.

– Thời buổi loạn lạc, … người nhà tôi cũng dạt đi đâu … còn chưa tìm thấy đa.

Nguyên Chiêu nghe họ nói vài câu thì lấy chén cơm với dĩa đồ nước để dành riêng cho mình để lên cái mâm rồi đứng dậy nói.

– Thầy tôi không hay uống rượu, chỉ có trà. Có ai uống trà không? Tôi đi pha.

Nhóm bạn chèo lắc đầu cười nói.

– Thôi khỏi, công tử qua bên đó nghỉ đi. Tụi tôi ở đây … có rượu đây … ha ha, công tử uống một chén cho ấm người.

Đến lượt Nguyên Chiêu lắc đầu từ chối. Hắn còn rất nhiều việc phải tính toán liệu toan, đâu có hứng thú mà uống rượu.

Hắn đi xuyên qua hai lần cổng, đều khóa lại đề phòng rồi cắm cây đuốc ngoài hiên như lúc nãy. Lúc chiều hắn không thấy khói nhóm bếp hẳn là Thanh Hoa chỉ ăn tạm chớ không phải thức ăn nóng. Hắn để dành mâm cơm cho muội ấy và thiếu niên ăn, còn mình thì nhận lấy bức thơ rồi ra đứng gần ngọn đuốc mở ra coi.

“Nguyên Chiêu con,

Hẳn con đã nhận ra thân thế bất phàm của Kim Chấn. Từ lúc Thanh Hoa đem Kim Chấn về thì Thanh Qui cư đã không còn thanh bình. Thầy đã suy tính tới lui mấy lượt mới nhờ cậy con …”

Nguyên Chiêu đọc xong thơ thì đem tới chỗ ngọn đuốc mà đốt bỏ như lời dặn của thầy. Hắn nhìn vào trong nhà, hai người đương ăn cơm trong đó rất khác nhau; một vui vẻ ấm áp như nắng sớm mai, còn một thì trầm tư lạnh lẽo như khi trời sắp nổi bão. Sanh mệnh và an toàn của cả hai đều là nhiệm vụ mà thầy giao cho hắn. Hắn vừa mừng lại vừa lo, mừng vì thầy đã tin tưởng mà trao tiểu sư muội cho hắn chăm sóc, lo vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho họ trong những ngày tới.

Đêm nay, Nguyên Chiêu không dám ngủ. Hắn ngồi tựa người lên cửa trước, Kim Chấn nằm ở sàn gỗ ngay phía sau cửa, ơi thở nặng nhọc. Chỉ có Thanh Hoa là vẫn như thường ngày, yên ấm trên giường. Vậy mà muội ấy còn than thở với Nguyên Chiêu là đêm qua không ngủ đặng.

– Đêm nay có sư huynh, muội mới hết lo!

Câu nói đó liền được phản hồi bằng tiếng hầm hừ trong họng của Kim Chấn. Nó đúng là rất ít nói, cũng chẳng có phản ứng gì với Nguyên Chiêu. Duy đối với Thanh Hoa thì có chút phản ứng, mà cũng chỉ lặng lẽ như vậy, không thèm tranh cãi gì.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!