Thủ Hoằng là người mới làm dưới trướng Lương Hựu nên không dám về nhà trước người ta, y không những đợi Thổ lại mục về trước mà còn đợi thêm hai khắc rồi mới bước ra khỏi cổng chính kho Đồn Điền ra ngoài. Qua thêm hai lớp lính canh phòng nữa, y bước ra cửa Củng Thần khi mặt trời vừa lặn xuống, sáng tối nhập nhoạng. Thủ Hoằng đưa mắt nhìn quanh, cũng có vài người lục tục ra khỏi cổng thành, y bất chợt khựng người lại, vừa rồi dường như y thoáng thấy có bóng ai lướt qua ngó mắt. Y nghiêng người nhìn lại, rồi rùng mình vì hơi lãnh từ đâu ùa tới. Cái bóng nọ hình như vừa lướt qua người y.
– Hê, Thủ Huồng, lẹ đi!
Tiếng gọi của một phu xe bò làm y tỉnh thần. Người nọ ở chung làng với y, họ đã hẹn nhau là cùng đi về mỗi ngày. Y sải bước đi nhanh tới chỗ chiếc xe bò, bỏ qua nguyên do của cơn rùng mình ban nãy. Ngồi trên xe, hai người hỏi thăm nhau về chuyện làm ăn hôm nay. Lúc xe bò qua khỏi bước tường thành kiên cố kia, phu xe bò mới ra roi cho con bò đi nhanh hơn để về nhà cho sớm.
Làng Tam Thước cũng rộng nhưng chỉ có hơn ba chục hộ sanh sống, so với mấy làng khác thì hơi thưa người nhưng triều đình phải đặt riêng vì địa thế của nó hơi đặc biệt, gần như là một cù lao nằm giữa sông Bình Dương và rạch Ông Lớn. Trước kia nó là một cù lao, chừng mấy chục trở lại đây, phần là phù sa bồi đắp lại thêm người ta muốn đắp đường để tới lui thuận lợi nên dần hình thành một khoảng đất nhỏ nối bờ, xe bò có thể qua lại. Lúc chiếc xe đi tới ngả rẽ vô rạch Ông Lớn thì phải dừng lại, có mấy ngọn đuốc cháy sáng phía trước, cũng có nhiều người đang lao xao, chừng như họ muốn lội xuống sông.
Phu xe dừng lại rồi cùng Thủ Hoằng bước tới gần nhóm người. Thủ Hoằng khựng người, lại có cảm giác ớn lạnh rùng mình. Trong khi phu xe đi tới hỏi nhóm người kia đang làm gì thì y đã đoán được câu trả lời của họ.
– Có người nói thấy ở đây có thây người,
– Trời, trời …
Phu xe là người nhát gan, vừa nghe nói đã thụt lùi mấy bước, miệng không ngừng kêu than.
Lúc nầy Thủ Hoằng chợt nhớ tới cơn rùng mình ở cổng Củng Thần, “Lẽ nào …!”, nhưng cả ngày hôm nay y không nghe thấy có gì bất thường hết.
Phu xe đã quay lại chỗ ngồi, lặng thinh đợi cho con đường được thông rồi lật đật quất roi vô hông con bò đi cho lẹ. Thủ Huồng cũng không phải là người tò mò, nói cho đúng hơn là y vẫn thường hay gặp mấy chuyện nầy. Từ lúc còn nhỏ y đã nhận ra mình có chút khác thường hơn người xung quanh; mà theo nhơn gian hay kêu ‘nhẹ bóng vía’ nên thường ‘thấy hoặc cảm nhận’ những chuyện mà người ‘nặng bóng vía’ không nhận ra. Và y đủ khôn ngoan để không lậu ra khả năng nầy, chỉ có người thân cận mới biết đặng mà thôi. Y đã không còn người thân thuộc nào khác ngoài vợ mình, Đặng Thị Trang.
Vậy nên khi Thủ Hoằng về tới nhà, tắm rửa ăn cơm nước xong thì chậm rãi kể cho vợ nghe chuyện hồi nãy ở đầu làng.
– Hèn chi, lúc chạng vạng tôi thấy mấy nhà bên kia đốt đuốc sáng trưng, mà tôi không có đi coi. Với nữa nhà cửa có mình tôi.
Thủ Hoằng nghe vợ nói tới chuyện nhà cửa liền bàn tính:
– Việc ở trong thành coi bộ cực nhọc lắm mình à, mà nhà mình đơn chiếc quá, hay là tìm người tới đỡ đần cho mình đi.
– Ờ, để thỉnh thỉnh rồi tìm. Nhà mình với tôi không còn ai thân thích, tìm người ngoài vô thì tôi sợ, tiền bạc …
Thị Trang nói tới đây, không nhịn được liếc mắt tới góc phòng có đặt cái bàn thờ gỗ lớn, kiểu dáng nặng nề; chỗ đó đang chôn giấu tất cả gia tài của họ, mà không phải ít đâu đó. Từ ngày hai người về kết nghĩa vợ chồng, Thị Trang không cần dãi nắng dầm sương mà ở nhà lo cơm nước hầu hạ chồng, dọn dẹp nhà cửa và trồng một ít rau cỏ ở vườn sau. Thủ Hoằng rất chịu khó chạy việc bân ngoài, tiền kiếm được đều đem về đưa cho vợ giữ. Tích cóp lần hồi, nhiều xâu tiền kẽm thì đem đổi thành bạc nén, nhiều bạc nén thì đem đổi thành vàng thỏi; tới nay thì vàng bạc đã đầy một cái chum rồi đa. Vậy nên dầu Thủ Hoằng đã kêu thị tìm người giúp việc trong nhà nhưng thị không an lòng. Lỡ như người ta thấy nhà họ có tiền của mà đơn chiếc rồi sanh lòng tham, làm ác thì sao?
Hai vợ chồng còn nghĩ ngợi thì phía đầu làng có tiếng xôn xao, rồi có tiếng la hét chửi bới. Thủ Hoằng đứng dậy nói:
– Mình ở nhà, để tôi đi coi sao!
Lúc Thủ Hoằng về nhà, nét mặt co` vẻ lo lắng hơn. Y nói với vợ:
– Cái thây là kẻ ăn trộm, nghe nói là khoét vách chú Thân đầu làng, bị bắt được rồi đánh nhau, té xuống rạch … là ngộ sát!
– Trời ôi, nhà chú Thân đó là nhà tường mái ngói … còn nhà mình thì, …
Coi ra chuyện nhà họ có của không thể lậu ra ngoài, chẳng những mất tiền của mà còn mất mạng chớ chẳng không.
– Mình đóng cửa nẻo lại đi, ngủ. Ngày mơi tôi phải đi làm sớm đa!
Đêm nay, Thủ Hoằng gần như không ngủ được vì lo lắng. Người trong làng đều biết y làm việc trong thành Qui, lương bổng chắc khác, nhà chỉ có hai vợ chồng, ăn mặc chẳng tốn bao nhiêu, … Haiz, chỉ cần để ý liền biết nhà y có của dư của để. Y lại ngày ngày đi sớm về trễ … chuyện nầy không thể chậm trễ thêm nữa, nên làm sao đây?
Mấy ngày sau đó Thủ Hoằng vẫn luôn nghĩ tới việc làm sao giữ cho của cải nhà mình được an toàn, cất ở đâu, xây nhà kiên cố hơn hay mướn nhiều người tới ở trong nhà đề phòng trộm cướp. Vì đặt tâm trí vào việc nầy nên y rất chú ý tới mấy nơi mà đang cất giấu tài vật trong kho Đồn Điền, đúng là không chú ý thì không biết thì ra người ta có rất nhiều cách để cất giấu, cũng không phải để chung một chỗ.
Động thái của Thủ Hoằng không qua được mắt của Thổ lại mục và Văn Bửu, hai người quan sát vài ngày xong đã tận dụng lúc ở riêng với y thăm dò. Thủ Hoằng vốn là kẻ khôn khéo trong giao tiếp, y thú thực về cảnh nhà đơn chiếc và chuyện trong làng vừa có kẻ trộm, nói thẳng lo lắng của mình.
Văn Bửu cười cười hỏi:
– Cha chả, nhà đệ chắc có của chìm của nói nhiều lắm đa!
Thủ Hoằng xua xua tay nhưng giọng nói như không có vẻ đùa cợt:
– Đâu có, đâu, đủ ăn đủ xài thôi!
Thổ lại mục và Văn Bửu liếc mắt nhìn nhau, giấu đi vẻ ngạc nhiên trên mặt. Từ ăn vận cho tới chi xài, Thủ Hoằng đều luôn tiết kiệm, không ngờ rằng có nhiều tiền của mà giấu kỹ. Cũng phải, người tiết kiệm thì mới có dư!
Thủ Hoằng cúi mắt, vói tay phủi phủi ống quần dính bụi, dường như chẳng thấy ngầm ý giữa hai người kia. Y biết lòng người thường hay so bì, họ giàu hơn y thì họ sẽ coi thường y, còn họ nghèo hơn y thì họ sẽ ghen ghét. Y đương nhiên không nói rõ mình có bao nhiêu bạc mà để họ tự suy đoán. Sau buổi nói chuyện đó hai người liền thay đổi thái độ với y, để y làm đúng với nhiệm vụ chính chớ không phải là ma mới làm chơn chạy việc nữa. Thêm một điểm lợi nữa là cả ba còn có thể tán gẫu về các cách cất giữ tiền bạc trong nhà. Nhờ vậy mà Thủ Hoằng cùng vợ đã tìm ra cách cất giấu của cải trong nhà và từng bước tiến hành.
Đầu tiên là y nhơn chuyện nhà kia bị trộm khoét vách rồi mang hoạ sát thân mà có cớ xây thêm một căn nhà tường ba gian ở giữa vườn sau. Nhà mới nầy có đào móng xây gạch rất chắc chắn. Rồi trong mấy ngày làm móng đó, y kiếm cách cho thợ nghỉ một hai ngày, tự mình đào thêm một hầm bí mật để giấu tài vật. Hai bức tường ngăn giữa nhà xây gạch đôi, khoảng trống ở giữa y cũng nhét vào các món vàng bạc, y phòng xa, để sẵn mấy ô trống tương lai nhét thêm vô. Xây nhà xong y và vợ liền lậu ra chuyện nhà mình nghèo túng vì xây nhà lớn để cả làng Tam Thước đều chê cười y chẳng biết toan tính gì.
Lo xong chuyện dựng nhà đã là ba tháng sau đó, Thủ Hoằng lúc nầy đã quen thuộc với những đường ngang ngả rẽ trong thành Qui, y cũng biết mặt nhớ tên và chào hỏi với hầu hết những người có quan hệ rồi. Vừa đúng lúc y làm tiệc tân gia, chọn lựa tới lui khách nào nên mời khách nào không, nhơn dịp nầy y cũng hỏi thăm chuyện thu thuế quan điền ở các nơi.
Thổ lại mục uống cạn chén rượu, gương mặt đỏ rần và cất giọng lè nhè nói:
– Lần nầy đi giám sát thuế quân điền, đệ phải dẫn theo anh Đặng đó. Hừm, quân binh bọn họ lúc nào cũng hất mặt lên trời, còn tưởng … không có gạo lúa ăn thì …
Thổ lại mục chửi thề mấy tiếng, Văn Bửu lập tức gắp miếng thịt gà vô chén cho hắn rồi tằng hắng đỡ lời.
– Có anh Đặng lo phía họ rồi, Thủ Hoằng đệ đây cũng quen biết nhiều, dầu là lần đầu đi thì cũng suôn sẻ thôi, huynh tức giận chi cho mệt! Mà trời sắp tối rồi, chúng ta về thôi.
Văn Bửu vừa nói vừa kéo Thổ lại mục đứng lên. Hắn không muốn lậu ra quá nhiều chuyện cho Thủ Hoằng biết. Trước khi Thủ Hoằng tới kho Đồn Điền làm, hắn và Thổ lại mục đã tính toán để y lo liệu ‘khúc xương’ nầy. Tuy rằng mấy tháng nay ba người đã thân thiết hơn nhiều, nhưng Văn Bửu vẫn không thể không đề phòng; dẫu sao thì mình và Thủ Hoằng vẫn luôn là đối thủ.
Thủ Hoằng đỡ hai người họ lên xe bò, không quên cảm ơn họ tới dự tiệc tân gia và để hai túi bánh trái ‘trả lễ’ lên kế bên chỗ ngồi của hai người. Nụ cười của y nhạt dần khi chiếc xe bò khuất ở cua ghẹo ra đầu làng. Y biết phần lớn gút mắc giữa Thổ lại mục và quân binh ở quân điền, y đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi nầy, thậm chí là có chút chờ mong. Ngôi nhà mới xây còn nhiều chỗ cất giấu tiền bạc trống quá, y muốn lắp đầy, rồi cảm giác thoả mãn lúc đó, chắc là sướng lắm!