Trời nhập nhoạng tối, đêm nay nước lớn, tiếng bìm bịp gọi nhau rộn cả khoảng không gian, mấy loài côn trùng khác cũng bắt đầu râm ran lên tiếng. Ông sáu chủ quán trọ ngẩng đầu lên, trước tiên là liếc nhìn người khách duy nhứt còn ngồi ở cái bàn trong góc, sau đó mới nhìn ra mặt sông rộng mênh mông ngoài kia. Lát sau, ông sáu liếc mắt nhìn người khách lần nữa, kín đáo thở dài, thầm nghĩ ‘Lời đồn càng lúc càng lan xa, khách này từ Gia Định lận đa, haiz … tiếc là mỗi tháng chẳng có mấy lần, nhà mình buôn bán chẳng đặng bao nhiêu, thôi kệ được nhiêu hay nhiêu. Mà coi kìa, ai tới đây cũng mặt ủ mày chau, có đông đúc chăng nữa thì chắc cũng hỏng vui … khác gì đám tang … xì xì.’ Ông sáu thấy mình nghĩ quẩn nên vội vàng ngừng lại, lật đật đi xách nước, gom củi, làm mình bận rộn để không nghĩ mấy chuyện đâu đâu nữa.
Trong nhà, bà sáu vừa đốt ngọn đuốc lớn đem ra cặm lên cây cột ở góc sân trước. Ngọn đuốc cháy rực nhưng so với màn đêm đang buông xuống thì nó thật nhỏ nhoi, cô quạnh. Bà sáu thở dài nhìn tới bàn đang có khách rồi cũng thắp ngọn đèn chai đặt lên bàn đó. Cái bàn nhỏ nên bà đứng cách người khách chỉ hơn thước, dù muốn hay không cũng ngước mắt nhìn một cái, bà thoáng giựt mình. Người khách có vẻ gầy gò nhưng dáng người thật cao, ông ta ngồi mà tầm mắt đã ngang với bà sáu. Gương mặt ông ta hơi nhợt nhạt nhưng cũng hẳn là đương bịnh hoạn gì. Bà sáu đã qua tuổi năm mươi rồi, bán quán mấy chục năm, thấy qua nhiều dạng người, cũng nghĩ rằng mình ‘có mắt nhìn người đoán tuổi’ lắm. Vậy mà bà không đoán được người khách nọ bao nhiêu tuổi.
Trong lúc bà còn đương nghĩ ngợi thì người khách quay đầu lại, hai ánh mắt chạm nhau. Trong khoảnh khắc đó bà sáu thoáng rùng mình, theo bản năng lùi lại phía sau mấy bước. Chân bà lùi vào chỗ đất trũng của nền nhà xém té may là bà còn vịn được cạnh bàn. Người khách nọ đưa mắt ra hướng sông, tay trái lần trong túi vải mặt ghế lấy ra một xâu tiền kẽm, đặt lên bàn.
– Đèn, rượu … cách gọi đò.
Lúc nói tiếng cuối cùng, người khách hất đầu về phía ngã ba sông.
– Biết … để ổng nói.
Bà sáu lấy xâu tiền rồi quay lưng bước trở vô gian trong, đi luồn cửa sau ra chỗ ông sáu đang lom khom gom củi chất vô chái nhà sau. Bà vịn tay ông ra hiệu, nói nhỏ:
– Ông vô nói cho người ta nghe kìa,
– Ủa, cũng tới để … Mà bà làm gì vậy? Đâu phải mới là người đầu tiên đâu …
– Trời, tôi thấy ông khách nầy … lạ quá ông!
Ông sáu hừm một tiếng, liếc nhìn ra mặt sông rộng đang chuyển màu từ nhàn nhạt sang xanh thẳm.
– Có ai mà không kỳ lạ đâu!
Ông sáu nói xong, cúi xuống cái lu gần đó, múc nước rửa tay rồi đi vòng theo khoảng sân để lên nhà trên, chỗ khách ngồi.
Hai người không có lên tiếng chào hỏi gì mà chỉ gật đầu với nhau rồi thôi. Người khách không thúc hối, ông sáu cũng chậm rãi lôi gói thuốc rê trong túi áo ra, xé miếng giấy nhỏ, xé nhúm thuốc nhỏ rồi vấn thành điếu thuốc bằng chừng ngón tay trỏ của ông. Nghiêng người tới gần ngọn đèn, một tay khum khum che gió, một tay vặn mở chong đèn đã nóng lên, miệng ngậm điếu thuốc đưa tới ngọn lửa, hít vô hơi nhẹ rồi làm ngược lại động tác vừa rồi.
Ông sáu hút hơi thứ ba thì bà sáu cũng cầm bình rượu với hai cái chung ra tới. Bà đứng lại đợi ông sáu mở nút bình rượu, hít hà mùi hương bay lên rồi mới trở vô nhà.
Người khách có vẻ hiếu kỳ nhìn hai vợ chồng già làm việc rất ăn ý. Ông sáu nhếch miệng, cất giọng.
– Vợ chồng già, buôn bán ở đây từ hồi mới về ở với nhau, quen nề quen nếp, nhưng mà lúc vợ chồng tôi tới đây thì … đã có con đò kia rồi.
Ông sáu hất cằm chỉ về hướng sông ra hiệu. Người khách day lại nhìn rồi nhíu mày, vẻ ngạc nhiên thoáng hiện lên trong mắt rồi trở lại bình thản.
Ở giữa mặt sông đen thẳm, có một ánh đèn le lói, không biết xuất hiện từ bao giờ. Người khách nhìn chăm chăm vào đó, như muốn dõi theo từng cử động của ánh đèn đó. Tiếng lá lao xao theo gió, có tiếng nước nhè nhẹ vỗ bờ nhưng ở giữa sông, mặt nước gần như tĩnh lặng, và ánh đèn đó chừng như đứng im bất động.
Ông sáu rít gần nửa điếu thuốc, rót rượu ra hai chung, bưng ly lên tỏ ý mời ông khách rồi tự mình nhấp một chút, mới bắt đầu nói:
– Tôi có nói rồi, lúc vợ chồng tôi tới đây mở quán thì đã thấy ngọn đèn đó rồi nên không biết rõ ngọn nguồn, chỉ nghe người này người nọ kể lại thôi. Chỗ đó là giữa ngã ba sông, có con đò nhỏ, mỗi tháng hai lần khi nước lớn thì hay có người tới đây gọi đò. Nhưng mà không phải là họ muốn qua bờ bên kia mà họ muốn đi tới chợ Mảnh Ma. Nghe nói chợ đó là chỗ giao giữa cõi âm và cõi dương. Nghe nói tới đó có thể tìm gặp lại cố nhơn, có thể nói vài chuyện, xong rồi thì đò sẽ đưa trở lại đây.
Ông sáu nói một hơi không hề vấp váp, không có cảm xúc gì, tuồng như đã nói nhiều lần đến thuộc nằm lòng rồi. Trong khi người nghe lại chẳng thản nhiên như vậy, mỗi người nghe sẽ có biểu cảm khác nhau, có khi họ lậu ra cảm xúc, có người lại cố gắng giấu nhẹm đi.
Bà sáu đứng nép sau màn cửa, chú ý quan sát cử động của người khách khi nghe ông sáu kể chuyện về con đò ngoài kia, con đò có thể chở người ta đi gặp cố nhơn. Đã từng có nhiều người nghe lời đồn đãi mà tới quán bà dò hỏi; có người chỉ vì tò mò muốn nghe chuyện lạ nên tới; có người thực sự chạy ra mé sông gọi í ới coi con đò có tới hay không; có người ở lại đây ròng rã mấy tháng, canh con nước để gọi đò, hẳn là rất muốn gặp cố nhơn nào đó; có người khóc lóc rất thảm thiết vì con đò không hề cập bến. Nhưng cũng có người, chỉ vừa bước tới mé sông thì ánh đèn le lói kia đã chuyển động, tới gần bờ rồi rước người đi suốt một đêm.
Bà sáu đã thấy và biết nhiều tình cảnh của khách gọi đò, qua lời họ kể, qua suy đoán hoặc qua lời thuật lại của những người khác; rồi bà không khỏi thầm đánh giá, bình phẩm họ. Đây chính là chuyện mà ông sáu hay càm ràm bà nhứt. Vậy nên hễ có khách nào tới để “gọi đò” là ông không muốn bà đến gần hay tò mò quá thể. Nhưng mà người khách tối nay đã khơi gợi lòng hiếu kỳ của bà. Bà thực muốn biết “cố nhơn” mà người nầy muốn gặp là ai? Là người vợ vừa mới qua đời hay song thân vừa tạ thế? Bà muốn biết ai có thể gợi lên cảm xúc từ đôi mắt của ông ta, một đôi mắt trống rỗng vô hồn chẳng khác gì mắt của người đã chết!
– Cách gọi đò.
Sau khi nghe ông sáu kể một tràng dài, người khách hỏi lại, rất ngắn gọn, dễ hiểu nhưng không dễ trả lời!
– Tôi không biết,
Người khác nhìn thẳng vào ông sáu, giọng nói khô khốc không cảm xúc.
– Thủ Huồng.
– À, ông đã biết rồi còn hỏi làm chi nữa!
Ông sáu không ngạc nhiên khi nghe người khách nhắc đến cái tên nầy. Tất cả những ai muốn thử gọi đò qua chợ Mảnh Ma đều tìm hiểu và được nghe kể truyền miệng về câu chuyện của Thủ Huồng, chỉ là có nghe kể rồi, có thuộc nằm lòng rồi thì cũng không chắc gọi được con đò đó.
– Tôi muốn ông kể lại.
Lần nầy ông sáu nhướng mày, rồi đưa mắt nhìn ra mặt sông nói:
– Trăng đã lên qua khỏi ngọn dừa rồi, theo người ta nói lại thì lúc nầy gọi đò dễ được rước nhứt đa! Sao ông không thử …
Ông sáu mới nói tới đó người khách đã vội khoát tay ngăn lại.
– Tôi muốn nắm chắc,
– Ừm, vậy … chuyện dài à nghe!
Người khách dùng tay trái lấy ra thêm một xâu tiền nữa, đặt lên bàn.
Ông sáu kéo xâu tiền về phía mình, hơi nhổm người rót thêm rượu vô chung của khách. Miệng không quên nhắc:
– Rừng khuya gió lãnh lắm đa, không có rượu … haiz, để tôi nhớ lại coi.
Ở đời, hễ có người xốc nổi thì cũng có người trầm tĩnh, có người thích thử vận may thì cũng có người chỉ muốn ăn chắc mặc bền. Có lẽ người khách nầy thuộc loại sau, ông muốn nghe chuyện Thủ Huồng trước rồi mới đi gọi đò; đơn giản vì ai cũng biết rằng người đầu tiên tới ngã ba sông nầy sanh sống trên nhà bè chính là Thủ Huồng. Và người đầu tiên tới chợ Mảnh Ma cũng là Thủ Huồng. Hơn nữa đêm mai nước sẽ lớn hơn đêm nay, cơ hội gọi được đò cũng cao hơn.
Lúc nầy ông sáu trầm ngâm hơi lâu mới bắt đầu chậm rãi kể lại chuyện xưa ông Thủ Huồng.