Chương 776: Chưa qua chưa biết

Mai truyền tin về cho Trần Tứ biết ý cô muốn trở về Đông Hồ và nhắn gởi để hắn ngừng chuyện của Liễu gia lại. Đang ở độ giữa tháng bảy cộng với thời tiết mưa nhiều nên thương lái rảnh rang hơn bình thường. Mai tranh thủ mấy ngày này cùng với tiểu Hà tới chỗ An ca và tứ Mi, còn có những người quen khác, để bắt mối làm ăn. Cô cũng xuống tiền mua một cuộc đất lớn có sẵn gian nhà gỗ và hào nước trong.

Rốt cuộc Mai cũng thương lượng với tiểu Hà về việc mở rộng kinh dinh. Tiểu Hà sẽ coi sóc tiệm kim hoàn cho tới khi hai mươi tuổi, sau đó nó có thể tự mình chọn lựa là tiếp tục công việc này hoặc mở nhà hàng như nó mong ước. Sáu năm, Mai nghĩ là khoảng thời gian đủ dài để nó học hỏi kinh nghiệm rồi tự mình mở ra chuyện làm ăn. Lúc đó thì dầu thành công hay thất bại thì nó cũng biết cách vượt qua.

Mai nhìn quanh cuộc đất mới mua, cỏ dại mọc đầy, chen trong đó là mấy dây rau muống đương trổ bông, sắc trắng ngần thiệt đẹp; còn có mấy chùm bông dại màu tím chi chít, xôn xao theo gió. Sáu năm nữa, nơi này sẽ thay đổi nhiều, từ hoang vu sẽ hóa phồn thị. Lúc đó tiểu Hà hai mươi tuổi, chắc đã có chồng con, biết đâu nó trở thành thiếu phụ chỉ ưa thích nội trợ, chăm sóc gia đình mà chẳng màn chuyện bên ngoài.

Hai mươi tuổi đối với phụ nữ thời nay coi như thời thơ mộng đã hết, họ sẽ luôn bận rộn chuyện gia đình, chăm sóc người khác đến đỗi quên cả bản thân mình. Khi bốn mươi tuổi, giống như cô bây giờ thì họ đã có cháu nội ngoại chạy quanh sân trong sân ngoài. Chuyện nhà cửa có con dâu quán xuyến, chuyện gia nghiệp tương lai có con trai lo liệu. Đến chuyên chăn gối và chăm sóc phu quân cũng sẽ có tiểu thiếp làm thay. Nói thực ra thì cuộc đời của họ gần như … sắp hết, phải không?

Mai phì cười khi trong đầu hiện ra mấy chữ ‘’không còn vướng bận, phiêu diêu cực lạc’’.

Lần này Mai đi lâu, chuyện trong dinh đều do Ngọc Nga coi sóc. Vài ngày nữa khi cô trở về thì sẽ biết năng lực của con dâu tới đâu, cô sẽ giao việc quản lý cơ ngơi ở Đông Hồ cho hai đứa nó lo liệu. Vậy còn … Trần Tứ, có phải cũng nên giao cho người khác?

Trần lão phu nhơn đã đoán đúng vài phần, Mai đương có bịnh nên cô không chú ý nhiều tới Trần Tứ, đối với việc gối chăn cũng không quá nồng nhiệt. Thực ra, nhiều năm nay Trần Tứ ở trong quân doanh nhiều hơn ở nhà. Mỗi lần hắn về, vài ba ngày sẽ đi mà việc ở nhà cũng cần hắn để tâm. Thế nên hai người gặp nhau, bàn chuyện chung chuyện riêng là nhiều. Nhứt là sau khi Mai sanh ra a Húc thì mang bịnh nhiều ngày tháng; trong mắt của người ngoài chắc là Trần Tứ bị lạnh nhạt, thiệt thòi.

Hứ, sao có thể bất công vậy chớ! Những lúc cô vì Trần gia vì hắn chịu vất vả thì chẳng thấy ai khen ngợi; còn hắn chỉ mới ‘’không hài lòng’’ đôi chút thì ọi người đã lo liệu đủ đường.

Nói thực mà nghe, Trần lão phu nhơn không gây nhiều ảnh hưởng tới cô. Chỉ cần Mai về Đông Hồ thì bà có muốn lo cũng lo nổi. Dầu bà có tận tay muốn đem người tới Đông Hồ thì sao? Ai dám tới đó, có tới thì ở đặng mấy ngày? Mai vốn không để tâm chuyện thiên hạ đồn đãi về mình, trước giờ cũng chẳng phải ít. Cái danh thuần lương thục đức đâu thể sánh bằng sự bình yên của Trần dinh.

Nhưng mà nghĩ xa hơn nữa thì sao? Hay là cô tự mình chọn người tốt tánh để chăm sóc Trần Tứ và a Húc nữa. “Ngươi tốt” đâu phải có sẵn, lại càng không dễ tìm. Huống hồ tiền tài quyền thế luôn khiến người ta thay đổi; chuyện nuôi ong tay áo nuôi khỉ dòm nhà đâu có hiếm.

– Nương, sao lại thở dài thở ngắn nữa rồi?

Tiểu Hà coi hết một lượt cuộc đất mới của mình, quay trở lại thì thấy nương một mình đứng dưới bóng cây, thở dài thườn thượt, thần sắc ưu phiền.

– Là không nỡ xa con đó.

– Hứ, nương nói trớ cho qua!

Tiểu Hà nhận ra nương có khổ tâm, nó không thích vậy. Trong lòng nó, nương không hay cười nhưng không hề buồn bã như bây giờ và chưa từng sợ hãi. Nó còn nhớ năm đó lúc nhị ca và nó lạc trong rừng; lúc nó sợ hãi nhứt thì nương xuất hiện rồi đánh đuổi kẻ xấu, chẳng ai cản nổi.

– Nương, nói con nghe đi! Nương lo cái gì,để con san sẻ với nương. Con lớn rồi đó nghe!

Mai nhìn tiểu Hà rướn vai, thẳng lưng để có thể đứng cao hơn cô; rồi nhìn đôi gò má phúng phính vẫn còn mang nét trẻ thở thì phì cười. Cô nhìn ra sau, An ca và Dương huynh đang đi tới.

– Phu nhơn cứ giao cho ta, tới năm sau là nơi này sẽ khác liền.

An ca cười, tiếp theo lời của ba Cân huynh.

– Ta nghĩ kỹ rồi, nhập rồi bán mấy đồ gia vị của người Lang Sa với người Hồng Mao đi. Tuy là mùi vị hơi lạ nhưng mà người ta rất ưa, nhứt là mấy nhà giàu có. Muội lại có lợi thế, giao thương dễ dàng.

Dương Văn Cân chưa từng giao thương với bên ngoài, nghe a An và Mai nói chuyện thì rất hứng thú; đột nhiên lên tiếng hỏi.

– Học tiếng họ khó không?

– Dương huynh muốn học hả?

– Trời, tứ đệ nói chơi rồi! À … nếu mà dễ thì để gái út của ta theo học, biết vài chữ.

– Dễ lắm, dễ lắm! Để muội ấy học với cháu đi!

Tiểu Hà chen lời, nó rất muốn có người học cùng.

– Lúc trước là đứa kia, giờ tới đứa này … đều nhờ đệ và phu nhơn nâng đỡ.

– Có gì đâu mà cứ kể hoài, tính vậy đi. Trưa rồi, về nghỉ là vừa.

A An liếc nhanh nét mặt của Mai rồi đi lên trước. A Vĩnh chết bầm, không hé răng nói lời nào về bịnh tình của a Mai nên hắn chỉ đoán qua sắc mặt. Hôm trước hắn nghe phong thanh Trần lão phu nhơn tìm người vừa ý làm tiểu thiếp của Trần Tứ, hắn đã giận dữ đập bàn đá ghế. A Mai mới bịnh có mấy tháng mà người ta đã coi như đèn cạn dầu sao! Bộ họ tưởng muội ấy không có ai binh vực chắc!

Trong cơn giận dữ, hắn nhớ lại chuyện của mình nhiều năm trước. Với tánh khí của a Mai sẽ không dễ dàng bỏ qua, vậy mà đã nhiều ngày rồi chưa thấy muội ấy có hành động gì, thiệt là lạ!

Cũng không phải là không có động tĩnh gì, muội ấy gấp gáp về Đông Hồ là để xứ lý Trần Tứ trước, chắc là vậy rồi!

Còn lão phu nhơn thì tính sao đây? Hay là hắn giúp muội ấy một tay? (Haiz) bà đã lơn tuổi rồi, không nên mạnh tay quá. Chắc là vì vậy nên a Mai mới chưa xuống tay đặng. Chuyện khó này cứ để hắn lo liệu vậy!

Lúc ngồi trên xe ngựa, tiểu Hà cứ ôm cánh tay Mai làm nũng, nhắc lại chuyện ban nãy. Mai vén rèm nhìn ra ngoài, vẫn còn sớm. An ca thấy cô mệt mỏi nên mới lấy cớ trời trưa ca ấy phải tiếp khách để cô về nhà. Nhà, Trần dinh ở Trấn Biên không phải là nhà của cô; bất giác cô không muốn về đó sớm. Cô nhìn tiểu Hà, nghĩ ngợi giây lát rồi nói với phu xe.

– Chậm lại, tới tiệm kim hoàn đi.

Mai với tiểu Hà không đi vào sảnh chính cửa tiệm mà len theo đường đá bên hông đi vào sân trong rồi lên lầu các. Thể nữ dưng trà rồi lui xuống, tiểu Hà khéo léo rót trà xong, ngó ra ban công thấy nương vẫn đứng yên, mắt nhìn mông lung vời vợi. Tiểu Hà đi tới, vói tay ôm nương. Nó chỉ cần nhón chưn là có thể cao hơn nương một chút, bàn tay nó còn khỏe mạnh hơn nương nữa.

Bị tiểu Hà làm quấy, Mai rốt cuộc cũng vui vỉ trở lại. Cô xoay người, kéo nó vào phòng, ngồi xuống ghế.

– Sắp tới con phải ra ngoài đi lại nhiều, nương dặn dò mấy chuyện. Con phải nhớ kỹ.

– Dạ,

– Làm chuyện gì cũng phải để ý an toàn, con biết dùng hỏa pháo, đúng không?

Thấy tiểu Hà gật đầu, Mai nói tiếp.

– Vậy thì lúc nào cũng đem theo bên người. Con nhớ đừng gây sự với người ta … nhưng nếu như có sự gì thì lập tức báo cho cha nương biết. Nương biết nương ở xa, lỡ như … con hãy dùng bất cứ cách nào; bất cứ ai …

Tiểu Hà chớp chớp hai hàng mi, tự đắc nói.

– Nương lo gì, ở đây chưa ai dám ăn hiếp con hết. Giờ có Biền tỷ, con phải sợ ai nữa? Con còn nghe nói … tứ cửu đó, rất lợi hại nghe. Tứ cửu có đội hộ vệ thương thuyền, toàn là những tay có nghề. Có gì thì con nói tứ cửu hay là đặng chớ gì!

Mai lắc đầu,hỏi ngược lại nó.

– Con coi, người của nhị bá con nhiều hay tứ cửu con nhiều hơn?

– Hả? Nhị bá có cả vạn quân binh trong tay, sao tính! Ủa, mà nhị bá làm sao lại …

– Ừ, không phải nhị bá con đâu, là … ý của nương là con phải biết tự mình bảo vệ …

Mai ngừng lại, uống hai ngụm trà rồi mới nói tiếp.

– Hà, con đã từng hỏi sao cha nương không có định hôn cho con như mấy tiểu thơ khác. Thực ra, nhiều năm trước ông bà nội đã có ý đó nhưng nương … à, nương kiếm cớ từ nan.

Mai nắm bàn tay mềm mại của tiểu Hà chậm rãi giải thích cho nó hiểu lý do.  Nói với một đứa con gái mười bốn tuổi về chuyện đôi lứa, chuyện gia đình, thiệt không dễ; mà nói với tiểu Hà càng thêm khó khăn.

– Lúc còn nhỏ thì cha nương với tỷ đệ là thân thiết nhứt nhưng khi con lớn rồi thì khác, người bên cạnh con dài lâu là phu quân của con. Thế nên nương nghĩ nếu con có thể tự chọn phu quân cho mình thì sẽ tốt hơn,

– Vậy là nương chọn cha hả? Không phải cha chọn sao? Nương, vậy giống như phong tục của người Chân Lạp phải không? Hay quá ha!

– Ờ, thì …

– Để coi, con chọn ai giờ?

– Con còn nhỏ, vài năm nữa đi. Hay đợi tới con mười tám hai mươi gì đó.

– Sao vậy? Con biết bà nội đã lựa ra nhiều nhà rồi đó. Ngặt vì hôm bữa cha làm dữ quá nên thôi,

– Con, con biết à?

– Sao mà không biết! Con còn biết bà nội ưng ý nhứt là biểu ca ở ngoài kia nữa. Trung thu này là ca ấy vô đây đó.

Những lời Mai muốn nói đều bị thổi bay mất. Coi ra tiểu Hà đúng là rất nhanh nhạy, nó gần như biết hết mọi chuyện xảy ra xung quanh rồi. Mai nhìn kỹ biểu cảm trên mặt nó, hình như có gì đó không đúng. Đối với chuyện thành thân của mình nó có vẻ thản nhiên, chẳng chút lo nghĩ gì, sao kỳ vậy?

– Hà, con biết chưa, chọn người chung thân rất quan trọng, ảnh hưởng tới cả cuộc đời của con sau này.

– Con biết, người ta giàu thì mình giàu, người đó có chức có quyền thì mình cũng đặng theo đó mà làm phu nhơn, đúng không?

– Ờ, thì … cũng đúng mà cũng không, còn phải có cảm giác với nhau nữa, chia sẻ vui buồn, cùng chung …

– Ý nương là có chuyện vui thì kể nhau nghe để cùng cười, có chuyện buồn thì cùng khóc. Con thấy rồi, Hưng nhị ca thường hay vậy lắm. Mỗi lần Trương tỷ buồn là ca ấy cũng rầu, thiệt là … mà tỷ ấy buồn chuyện gì đâu không hà!

Mai uống hết chén trà, tiểu Hà nhanh tay rót cho cô chén nữa.

– Nương, vậy mấy bữa nay nương buồn vì chuyện này hả? Nương sợ bà nội chọn cho con người xấu, không xứng đáng hả?

– Không phải đâu, bà nội thương con nhiều, thể nào cũng chọn nơi môn đăng hộ đối. Chỉ là, …

Mai ngừng lời, vén mấy sợi tóc mai lòa xòa cho con. Tiểu Hà chưa từng trải qua cảm giác ưa thích một người nên chưa biết hai chữ ‘chung thân’ nghĩa là gì; không phải chỉ là chung nhà cửa, chung tiền của hay tước vị. Cô nên nói gì bây giờ hay là đợi thêm thời gian nữa. Nhưng mà, liệu cô còn thời gian không, hơn nữa lỡ như lão phu nhơn nhân lúc cô không có ở đây mà định đoạt thì sao?

“Nói một lần không xong thì nói nhiều lần. Hà à, con làm khó nương quá rồi đó nghen”.

1 bình luận về “Chương 776: Chưa qua chưa biết”

  1. Coi bộ nói chuyện chung thân đại sự với tiểu Hà hơi bị mệt à, em nó ngây thơ quá trời người ta còn nhỏ mà bà nội cứ muốn gả đi càng sớm càng tốt. Mai về Đông Hồ cái là bà nhân cơ hội gả mất tiểu Hà luôn cho coi.

error: Content is protected !!