Chương 661: Hoa Bằng lăng nở sớm

Sau mấy ngày Tết, phu thê Trần tú tài ra Trấn Biên chuẩn bị hôn lễ cho a Nhạn. Tới cuối tháng Giêng thì Mai, tiểu Hà và vài người quen mới lên ghe xuất hành. Lâm Trinh bận việc buôn bán nên không đi, Phạm thị với thằng Nhái thì đi chung ghe với nhà Lạch ca.

Đàng trai họ Dương, gốc gác từ miệt ngoài vô đây một lượt với Nguyễn gia. Tân lang làm Cai đội dưới trướng của Nguyễn Phó tướng. A Nhạn vốn có họ hàng với Nguyễn gia, lại được Trần tú tài và Đồng Sanh ca đỡ đầu nên tính ra hai nhà rất môn đăng hộ đối. Chỉ có điều là a Nhạn đã qua hai mươi tuổi, thực ra là mới hai mươi mốt tuổi, nhưng vẫn bị cho là “quá lứa” ở thời này. Lý do a Nhạn thành thân trễ là vì tang chế nên người ta không dám bình luận công khai mà chỉ âm thầm xì xào với nhau.

– Đàng trai còn nhỏ hơn đàng gái hai tuổi đó đa,

– Trời ôi! Người ta hay nói “nhất gái lớn hai nhì trai lớn một” đó sao! Đâu phải đàng gái ế ẩm gì, là do tang chế trong nhà đó chớ!

– Phải đa, nghe nói hồi trước nhiều mối mai lắm!

– Thì phải rồi, a Nhạn chẳng những giỏi giang mà còn biết chữ, biết làm tính. Ta còn nghe đâu tiền của không ít,

– Còn đẹp người đẹp nết, chẳng thua kém các vị tiểu thơ đâu!

Tiếng bàn tán của mấy người đàn bà tới dọn đám cưới ngưng lại giây lát rồi lại nổi lên, xôn xao hơn hẳn. Lúc này họ còn nhón chưn lên ngó ra phía ngoài, mắt nhìn chăm chú, tay vẫn làm và miệng vẫn nói.

– Là quà cưới của Trần dinh ở Đông Hồ, còn có quà từ Vô Lật phủ gởi tới kìa.

– Ta nói mà, của hồi môn a Nhạn chẳng kém gì tiểu thơ con nhà đâu.

Từ ngoài cổng tới nhà trên, mọi người hoan hỉ chào hỏi nhau rồi cùng đem quà tặng cho cô dâu vào trong. Trang tỷ bước lên vịn cánh tay Mai nói.

– Đa tạ muội, ta không biết …

Mai mỉm cười nói.

– Ngày vui mà, tỷ đừng quá xúc động!

– Phải, phải, là ngày vui. Nhờ muội giúp ta tiếp đãi khách kẻo ta thất lễ,

– Ừm, hay là để Nguyễn phu nhơn lo đi. Muội lo sắp đặt ở nhà trong là được.

Mai vừa nói vừa ý tứ chỉ về phía Nguyễn phu nhơn đang ngồi ở bộ ván gõ. Theo vai vế và các mối quan hệ ở Trấn Biên thì Nguyễn phu nhơn đều lớn hơn Mai. Hơn nữa, bà ấy ưa thích chuyện xã giao, xởi lởi; người ta đã ngồi sẵn ở đó rồi thì Trang tỷ không nên kêu Mai tới làm gì.

– Ừ, vậy muội đừng ngại nghe, vô trong đi.

Mai gật đầu đi vào nhà trong. Nói thực ra Mai vốn không ưa Nguyễn phu nhơn và cũng không thích chuyện giao thiệp, cô muốn coi sóc việc đưa dâu giống như lần a Lục xuất giá. Nghĩ tới đây Mai thoáng bâng khuâng. Mới đó mà ba đứa con gái nhỏ bên cạnh cô ngày nào đều đã trưởng thành. mỗi đứa có hoàn cảnh riêng. Từ nay a Nhạn sẽ bước vào cuộc sống mới. Lẽ ra a Nhạn là người mà Mai an tâm nhất vì nó giỏi giang thông minh nhưng cô vẫn áy náy vì chuyện trước đây. Hơn ai hết, cô mong mỏi a Nhạn có cuộc sống tân hôn yên ấm, chỉ có vậy thì cô mới không thẹn với mình.

Số người từ Đông Hồ tới được sắp xếp ở một dãy phòng riêng, a Hậu và Phạm thị cùng mấy đứa nhỏ đều ở đây. Mai thì ở Trần dinh nên khi cô vào nhà trong thì mọi người đều đang bận rộn, a Nhạn cũng đang sắp xếp các món vào mấy cái rương gỗ. Thấy Mai tới, ai cũng lên tiếng chào rồi lại bắt tay vào làm tiếp.

Lát sau Trang tỷ đi vô, dẫn đường cho thể nữ thân cận của A Lục từ phủ Vô Lật vào gặp a Nhạn. Thể nữ thấy Mai thì bước tới thi lễ rồi nói.

– Ra mắt phu nhơn, người vẫn khỏe.

– Ừ, tiểu thơ ngươi sao rồi?

– Bẩm phu nhơn, Lục tiểu thơ khỏe. Tiểu thơ muốn tới lắm mà không đặng.

– Ừ, đường xá xa xuôi quá. Vô phòng đi,

A Lục mang thai tháng thứ năm nên không thể tới đặng. Mai biết chắc a Lục có gởi thơ và nhắn riêng với a Nhạn nên phát tay để cả hai vào phòng trong mà nói. A Nhành với thằng Tý đã tới đây mấy ngày trước. Cô cũng muốn gặp a Nhành nhưng không gấp gáp gì nhưng phải vào lúc trời tối. Mai quan sát gương mặt Phạm thị để thăm dò cảm xúc của nàng ấy sau khi gặp a Nhành.

Mai nhìn ra ngoài trời đã dịu nắng, mọi người vẫn tới lui làm việc, ít đùa giỡn so với nhóm thọ nấu ở bên ngoài. Mai đứng dậy tỏ ý muốn về, (ừm) cô biết là có cô ở đây thì nhiều người vẫn e ngại. Dầu muốn hay không thì địa vị và thần sắc đoan trang của Mai vẫn khiến người khác dè chừng, không dám làm điều quá quắc.

Mai vừa rời đi thì không khí trong phòng lập tức nhẹ nhõm, tiếng thì thầm lao xao trở lại. Người ta đương nhỏ to với nhau đủ thứ chuyện về lễ cưới này, về các khách mời và các món quà tặng hay lễ vật của hai đàng. Phạm thị nhìn theo hình dáng Mai khuất phía ngoài rồi quay sang nói nhỏ với a Hậu.

–  A Nhạn thực giống với Trần phu nhơn. Nếu không biết muội còn tưởng là tỷ muội ruột thịt nữa chớ!

– Ừ, giống thiệt. Hôm qua a Nhạn mặc thử áo cô dâu, giống y thần sắc của Mai tỷ hồi đó. Hai người, (ừm) không có vẻ nôn nao hay e thẹn … như chúng ta, phải không?

Phạm thị liếc nhìn vào gian phòng cô dâu đang khép hờ rồi lát sau mới gật đầu.

– Muội có nghe người ta xì xầm chuyện với Lê Tứ,

– Ý! Muội coi góc tay áo này còn chỉ thừa nè,

A Hậu cắt ngang lời Phạm thị, nói sang chuyện quần áo khiến Phạm thị biết mình vừa lỡ lời nên im lặng luôn.

Chiếc ghe chở Mai với tiểu Hà đi một vòng để ngang qua con rạch vào nhà trai, Dương gia ở vùng ven của Cù Lao Phố. Cách xa một khoảng mà Mai đã nghe tiếng người lao xao, họ đang dựng rạp làm cổng hoa và nấu nướng chuẩn bị đón dâu. Vải điều giăng ở cổng trước báo tin nhà có hỷ rất nổi bật.

Lúc chiếc ghe ngang qua vườn sau Dương gia thì Mai với tiểu Hà thấy một quầng màu tím hồng rất lớn. Tiểu Hà xuýt xoa khen đẹp.

– Là bông bằng lăng nước, đẹp quá hà! Của nhà ai vậy nương?

– Ừ, đẹp! Chắc là của Dương gia trồng.

– Nhà chú rể hả nương? Giống chỗ vườn sau của Nhạn tỷ ghê ha! Mà ở đây nhiều hơn, cả một rừng luôn.

Tiểu Hà khoa trương vòng hai cánh tay để diễn tả. Đúng là vườn cây bằng lăng này rất lớn, men theo bờ con rạch đều là cây bằng lăng nước.

– Hình như bông trổ sớm, mấy chỗ khác đâu có trổ.

– Phải, vậy mới đẹp! Nương ơi, mai mốt nương cũng trồng cho con một vườn hoa thiệt đẹp nghe nương.

– Con thích cây gì hoa gì thì tự mình trồng, vậy thì mới quý chớ!

– Dạ, dạ.

Tiểu Hà dạ dạ với vẻ miễn cưỡng pha lẫn mất hứng và lười biếng khiến Mai phì cười. Cô nâng gương mặt nhỏ của nó lên và nói.

– Có làm có ăn, có trồng thì mới có cái để thưởng thức, biết không?

– Dạ, mà để bông nở sớm vầy chắc phải có bí quyết đa, con sẽ hỏi sư phụ!

Tiểu Hà chuyển đề tài rất nhanh, nó không nhận ra Mai quay nhìn lại vườn cây bằng lăng đương nở hoa tím rực mà nghĩ ngợi rất lung.

Mai có nghe Trang tỷ nói chuyện hai nhà Trần và Dương được mai mối thế nào. Vốn là chỗ thân tình nên Trang tỷ có kể chuyện Dương lang đã từng giúp đỡ cửa hiệu buôn bán của a Nhạn nhiều lần. Cho nên khi Dương gia ngỏ ý dạm hỏi thì a Nhạn mới gật đầu. Chuyện thành thân của a Nhạn chính là nỗi lo của Trang tỷ và là vết kim trong lòng Mai. Cô vẫn âm thầm để tâm theo dõi, Dương gia đúng là chỗ tốt. Mai nhìn lại sắc tím hồng tươi đẹp của hoa bằng lăng đàng xa, trong trí nhoáng lên niềm hy vọng.

Khuya nay, Mai tới nhà của a Nhạn rất sớm, cô đi thẳng vào trong phòng cô dâu để coi mọi việc sắp đặt đã xong chưa. Rương hòm được dán giấy điều cắt chữ Hỉ chuẩn bị khiêng lên ghe, trang phục cưới và các món trang sức đặt trên bàn trang điểm sẵn sàng.

– Dì mới tới!

– Ừ, con ngồi đi. Thợ trang điểm lấy đồ, sẽ vô liền.

A Nhạn vừa dạ nhỏ vừa ngồi xuống ghế trước bàn trang điểm. Mai nhìn đôi mắt đen thẳm của a Nhạn thì hơi cười nói.

– Mắt nương con còn sưng đó,

– (hì) Nương khóc thấy sợ luôn!

Mai bước tới sau lưng a Nhạn, khẽ vuốt mái tóc dài vừa được xõa ra, nhìn thiếu nữ xinh đẹp đoan trang trong gương. Hai người đều yên lặng nhìn nhau qua mặt gương đồng mờ ảo, trong khoảnh khắc hai ánh mắt giao nhau cả hai đều giựt mình. Lâu lắm rồi cả hai mới có thể nhìn nhau như vầy, lâu lắm rồi thì phải!

– Dì,

– Nhạn,

Sự im lặng lại hiện hữu, rồi Mai nhìn thấy hai nhành bông bằng lăng tím cắm trong cái bình nhỏ. Cô ngập ngừng giây lát rồi nói.

– Hôm qua dì có đi ngang Dương gia, họ có vườn cây bằng lăng rất lớn đương trổ bông, con có biết không?

Hai ánh mắt lại giao nhau. Lần này a Nhạn cúi mi che dấu một chút xao động. Mai bồi hồi, cô vịn vai để a Nhạn ngước lên nhìn mình rồi mới nói.

– Hoa bằng lăng không dễ gì nở sớm đâu. Nếu con đã ưa hoa bằng lăng thì nên giữ gìn trân trọng. Dì … dì chỉ mong con … sau này sẽ hiểu rằng không có tình yêu nào mà không vị kỷ, thế nên đừng …

Mai còn chưa nói xong thì Trang tỷ và thợ trang điểm cô dâu đã vô tới. Cô đứng lùi ra sau để họ làm việc. Trời đã rựng sáng, giờ lành rước dâu sắp tới rồi.

Hai nhà cách nhau một đoạn đường và phải đi đò ngang sông. Hai chiếc đò lớn cũng được giăng đèn kết tua, mấy dải lụa đỏ khiến cho ai nhìn thấy cũng vui lây. Đám cưới này có điểm lạ hơn bình thường, đó là người được khiêng kiệu không phải là cô dâu chú rể mà chính là cha cô dâu.

Trần tú tài đi lại khó khăn, sợ làm lỡ giờ lành nên đành phải ngồi kiệu. Thế là cô dâu chú rể đều muốn đi bộ cùng nhau trong lễ rước dâu, một đoàn người áo hoa đủ màu khiến cho người ta có cảm nghĩ tháng Giêng còn chưa qua, ngày Tết như còn đó.

1 bình luận về “Chương 661: Hoa Bằng lăng nở sớm”

  1. đọc chưởng này hay quá à, cuối cùng a Nhạn cũng tìm được người mình thương cũng như thương mình, làm kẻ thứ ba có gì vui, sau này suy nghĩ lại a Nhạn còn ngàn lần vạn lần thầm cảm ơn Mai vì lúc trước đả ngăng cảng quyết liệt.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!