Trời ngả bóng rồi, nắng xế tháng chín như ửng chút vàng trên mặt sông. Con nước về, mặt nước đục phù sa lặng lờ. Đúng là chỉ có khúc sông này có nhà cửa thấp thoáng. Hèn chi khách thương hồ hay dừng lại nơi đây, đâu còn chỗ nào khác hơn được.
Quán nước và nhà trọ là tươm tất nhất trong cả xóm. Có mấy chiếc bè im lìm dập dờn theo sóng nước. Ba chiếc ghe lớn tiến vào, đặc biệt là chiếc Linh Xà làm cả xóm ra coi. Vị thúc thúc trộng tuổi chắc đã quen biết Trần Tứ nên bước ra chào hỏi vui vẻ.
– Công tử ở lại qua đêm rồi đi chắc?
Trần Tứ nhìn nhanh về chỗ Mai rồi ậm ừ không dứt khoát. Mọi người chỉ mang ít đồ cần thiết lên quán trọ rồi chia thành từng nhóm đi quanh nhìn ngó phong cảnh. Mai ngồi lại ở quán nước hỏi Trần Tứ.
– Từ Trấn Giang đi Trấn Biên buộc phải qua chỗ này sao?
– Không, ghe tàu lớn mới đi vòng ngả nầy. Năm rồi hạn hán, người ta phải dời vô miệt trong, đào giếng mới có nước ngọt. Thương lái cũng đi ngả trong mới có làng xóm mà nương náu.
Vị thúc thúc chủ quán mang nước nóng tới châm vào bình trà góp lời.
– Mấy năm trước, Lễ Thành hầu có đặt đồn trú quân phía đó. Người ta cũng đi theo mà cư ngụ. Nghe nói người mới muốn dời vô phía trong hả?
Hai tiếng “người mới” được thúc ấy nhấn mạnh làm Mai hơi nghi ngờ, cô cũng quay sang nhìn Trần Tứ chờ câu trả lời.
– Dù gì thì lữ quán của thúc cũng có tiếng rồi, làm ăn thạnh nhứt vùng nầy mà. Thúc lo cái gì!
Ha ha, vị thúc thúc cười lớn, có vẻ rất khoái chí. Thúc ấy biết Trần Tứ muốn tránh trả lời nên không ở lại mà ra cửa, nói vọng qua gian nhà gần đó.
– Nàng còn chưa lo cơm nước cho khách, chiều rồi đa.
– Biết rồi!
Tiếng người đàn bà trẻ vọng lại thanh tao trong trẻo. Thúc ấy đi ra cầu nước xách từng thùng lên lóng trong hàng lu đất bên hông nhà. Buổi chiều yên ả bị ngắt ngang bởi tiếng nghé ọ vang lên ầm ĩ.
– Người ta đuổi trâu về rồi,
Trần Tứ lên tiếng rồi cũng bước ra mé sông. Khúc sông phía dưới xóm đang ồn ào vì một bầy trâu lớn, nghé nhỏ tranh nhau xuống nước. Có mấy con trâu đã đầm mình xuống vũng chỉ còn lại cặp sừng cong vòng rất lớn nổi trên mặt nước. Người ta chọn dựng nhà cửa ở đây, trên dòng nước, chắc là để tránh nước sình chỗ vũng trâu rồi. Sáng chiều trâu đều ra đây đầm mình tắm, bùn sình bị quẫy lên vầy thì khỏi có nước mà xài luôn.
Mai đang cảm thán nhìn những bộ sừng cong cong di động trên mặt nước rất ngộ thì có tiếng con nghé con kêu lên thảm thiết. Có hai người đàn ông lao ra bãi trâu tắm, tiếp theo là tiếng người chửi lớn.
– Tới rồi, bữa nay tao quyết ăn thua đủ với mày!
Mai quay qua nhìn chủ quán, thúc ấy điềm nhiên nói.
– Có con sấu lớn, bữa trước thịt mất một con nghé. Chắc ăn quen tới nữa đó. Họ cũng canh me nó mấy bữa rồi!
– Đi, tới coi đi!
Tiếng a An nói rồi ca ấy chạy đi. Những người khác cũng bắt đầu chạy tuôn tới đó. Mai nhìn theo mà lắc đầu rồi buồn cười. Con cá sấu này chết chắc rồi, bao nhiêu người đây thì làm sao mà nó chống lại. Mai coi thường con sấu quá, đặc biệt là con sấu già đã thành tinh như con này. Nó có lợi thế dưới nước mà người ta không thể bì được.
Lúc Mai tới thì hai người đàn ông chăn trâu đã dùng dao mác tấn công để nó nhả con nghé con ra. Con nghé sợ run run, yếu ớt nép bên chân trâu mẹ. Bầy trâu vẫn lửng lơ, có mấy con trâu đực lớn vẫn đầm mình dưới nước, ơ thờ nhìn về phía này.
– Chặn nó, đừng cho nó xuống sông.
Tiếng người đàn ông la lớn. Một người khác cầm mác chạy xuống, có hai người thủy thủ Bồ La cũng rút kiếm ào xuống nước. Mọi người thấy cây kiếm lóe lên sắc bén thì bất ngờ, e ngại rồi bàn tán rất xôm. Được một hồi thì ai cũng nhận ra là kiếm mà đấu với cá sấu hình như không hiệu quả bằng dao mác.
Da cá sấu dày và cứng, lại ở dưới nước nên lực chém của kiếm không đủ làm nó sợ. Hơn nữa, kiếm không thể cận chiến như dao mác được, thành ra người ta lại lắc đầu lo lắng cho hai thủy thủ Bồ La nầy.
Một sấu và bốn người dằng dai hơn nửa canh giờ mà chưa phân thắng bại. Con sấu lầm lũi nửa thân dưới nước, nửa trên bờ, nó chậm chạp cầm cự mà giữ được sức. Người ta thì nôn nóng muốn hạ nó nên mất sức nhiều. Khi hoàng hôn buông xuống người ta lại đốt đuốc vây quanh. Trong ánh lửa, hai mắt con sấu như hai hòn lửa đỏ thật đáng sợ.
– Thôi, đừng so kè nữa. Ta hô một tiếng thì cùng xông lên, tối rồi!
Một lão ông râu tóc bạc nhưng dáng người rất tráng kiện lên tiếng. Mấy người đàn ông, thanh niên đã cầm dáo mác sẵn sàng.
– Lên!
Con sấu như biết có nguy nên bất chấp ba người đang chặn nó ngả bờ sông mà ào xuống. Nó càn lên người ta, rồi ba người một sấu quấn nhau thành một đoàn. Rồi thì mùi máu tanh lan ra, Mai hơi sợ lùi lại một bước.
– Nó chết rồi, đừng chém nữa!
Tiếng ai đó nói lớn rồi người ta khiêng xác con sấu trở lại đặt ở sân trước của lữ quán.
– Dám ăn nghé của tao, cho mầy chết!
– Nuốt vịt của tao, cho mầy chết!
– Bữa ở xóm trên có người bị cắn mất cánh tay, mất luôn chiếc vòng. Coi phải con nầy không?
– Chắc không đâu, ta canh con nầy hai tháng nay rồi. Nó quanh quẩn chỗ vũng đó, nó ưng ăn nghé non hơn à.
Đêm dần sâu, sân trước quán vẫn còn một nhóm người đang uống rượu bên đống lửa. Họ là những người sống trên bè, chài lưới đánh cá kiếm sống. Có nhà lấy bè làm thành quán tạp hóa, cập hết khúc sông nầy đến khúc sông khác để mua bán. Những bữa trời trong, thong thả thì họ rủ nhau lên bờ uống chén rượu, nói chuyện làng xóm.
– Hồi chiều thấy người nọ múa kiếm cũng hay dữ há!
– Hay thì có hay, mà đánh sấu chắc không đặng rồi!
– Phải đa, sấu thì chỉ có dao mác mới trị được. Mà ta nghe nói miệt dưới người ta dùng cây móc chi đó mà hạ nó trong chớp mắt.
– Thiệt hay chơi cha, làm gì hạ trong chớp mắt!
Ngoài sân người ta bàn chuyện dùng dao mác giết sấu, đi rừng. trong quán thì nhóm thủy thủ cũng đang bàn chuyện dùng kiếm hồi chiều. Một thủy thủ nói với Rui Poh, họ muốn đánh thử với hai người chăn trâu hồi chiều.
Nhóm đàn ông thanh niên hào hứng hưởng ứng. Họ đốt đuốc sáng thành vòng, rồi dùng vải buộc lưỡi kiếm, quấn lên lưỡi mác. Lão ông trưởng làng đứng ra làm trọng tài. Tiếng hít hà, vỗ tay cứ rộn lên làm những chiếc bè ở lân cận lần lượt kéo tới thành dãy trên bến.
Mai không coi đánh nhau mà nhìn dãy đèn chong leo lét trên những chiếc bè. Những ngôi sao lấp lánh ánh trắng xanh, những ngọn đèn lập lòe lửa đỏ, không gian mênh mông quá. Mai đang nhớ lại cảnh bến sông những đêm giao thừa thời hiện đại, cũng mênh mông như bây giờ và cũng rộn ràng tiếng cười nói xôn xao.
Trần Tứ đứng gần đó, rời mắt khỏi cuộc tỉ thí mà hỏi nhỏ.
– Sáng mai lên đường được chớ?
– Có việc hả?
– Ừ,
Giống như chiều nay, Trần Tứ không giải thích gì thêm, có lẽ là chuyện quân tình. Cô có cảm giác Đoàn bá và Trần gia rất cảnh giác với tàu thuyền của ngoại quốc tới đây. Bá ấy có nhắc về tình hình hiện nay, đúng là thật chông chênh.
Chân Lạp trước đây rất hùng mạnh, đất đai trải rộng khắp nơi. Mấy trăm năm trước, họ bắt đầu dựng cung điện, đền dài nguy nga tráng lệ nên làm tiêu hao tài lực. Thêm vào đó là thiên tai, người dân chịu nhiều khó khăn và vất vả. Nhất là vùng hạ nguồn Mê Kông đất ngập mặn này càng khó sống, họ đã bỏ đi lên những vùng cao, gần kinh thành phù hoa.
Những Quốc Vương sau này chỉ còn quan tâm tới thành thị lớn, dân cư co cụm lại. Đến khi thế lực Đàng Trong và các nước Xiêm La, Chiêm Thành mở rộng bờ cõi tới đất này thì Quốc vương Chân Lạp mới quan tâm canh giữ. Chỉ tiếc là muộn rồi, thực lực Quốc vương đã yếu lại thêm nội chiến giữa các vị hoàng thân. Nơi này dần dần đã ngoài tầm kiểm soát của Chân Lạp.
Bây giờ Quốc vương nhìn đâu cũng thấy âm mưu, nghi kỵ khắp nơi khiến những người xung quanh đều cẩn trọng và thủ đường lui cho mình. Một thế lực mới từ xa xôi tới cũng có thể làm đảo lộn thế cuộc. Thành ra ai cũng không mong đợi ‘khách không mời’ này, dù là thương nhân cũng gây ra nghi kỵ và phòng bị.
Mai nghĩ ngợi thật lâu rồi ra dấu cho Trần Tứ ngồi xuống cái bàn ở góc xa. Cô chấm tay vào chén nước vẽ xuống mặt bàn.
– Nếu không thể để họ đi sâu vô đất liền, vậy ta dẫn họ vòng từ Đông Hải vào biển Xà Xía, lập cảng Đông Hồ được không? Muốn thịnh vượng thì phải mua bán giao thương với họ.
Mai hơi ngừng lời, rồi nói nhỏ hơn.
– Chỉ một lần mà thương thuyền nầy đem tới nhiêu đây tiền lời đó. Nhà ta đang gom thổ sản bán lại cho họ, mấy món hàng thủ công lại càng được giá. Quân lính cũng cần ăn cần mặc mà,
Mai thòng thêm mấy tiếng cuối làm Trần Tứ nhếch môi. Mai cũng bĩu môi bất mãn; cười cái gì, cái này gọi là ai cũng có lợi mà.
– Ta sẽ hỏi cha. Đông Hồ là chỗ của Mạc gia, phải đợi lâu hơn.
Hắn nói xong liền ra hiệu kêu cô đi ngủ. Mai uống hết chén nước ấm rồi vào phòng. Bên ngoài tỉ thí đã ngừng, họ bá vai nhau uống rượu, nướng cá tôm đến tận khuya.
Văng vẳng trong gió là tiếng ngâm thanh tao của một thiếu phụ trẻ, dường như đã ngà say.
Sông nầy nước chảy chia hai,
Chàng về phương đó thiếp rày nơi đây.
Nơi đây con nước đong đầy,
Đề huề lữ quán, nhạc vầy thiếu chi.
Thiếu người quân tử một bề,
Một bề với nước, mấy bề với ai!
Thấy Mai và Trần Tứ sao mà hiểu và làm việc ăn ý nhau ghê, Mai thì không để ý gì, nhưng bạn Tứ thì hình như lúc nào cũng quan tâm đến Mai. có việc bận mà còn báo trước với Mai là : “ sáng mai lên đường được chứ.?” . ha ha, giống như đang xin phép Mai vậy.