Chương 727: Dở khóc dở cười

Đầu tháng bảy tới, con nước kém và thủy triều rút xuống khiến mọi người mừng rỡ. Dòng nước ngọt từ thượng nguồn tràn về làm tan vị mặn của đất, phèn chua cũng bị cuốn đi để lại lớp phù sa màu mỡ, ngọt lành. Lý thúc tới am báo cho Mai biết là mực nước ở cồn Long Châu Sa đã ổn định nên a Sửu sẽ về lại Đông Hồ.

– Tổng trấn đã lệnh cho tướng quân ổn định tình hình các nơi rồi trở về thủ trấn.

Mai nhìn Lý thúc để khẳng định lại ý nghĩa ẩn trong câu nói vừa rồi. Nhiều ngày nay cô ở trong am, chuyện bên ngoài không nắm rõ. Nạn hồng thủy còn chưa dứt thì sắp có biến cố khác hay sao? Mạc tổng trấn lo lắng cho an nguy của Đông Hồ nên mới triệu Trần Tứ trở về trấn thủ, không biết kẻ địch tới từ phương nào?

– Thúc chú ý lo lương thực, dầu thể nào thì người ta, quân binh hay dân chúng, đều cần cái ăn trước nhứt.

– Phu nhơn yên tâm, tôi đã cho trồng khoai đậu trên mấy gò đất cao. Lê công và Lưu phú hộ cũng đang ra sức khẩn hoang trồng trọt.

Mai nghe Lý thúc thuật lại kỹ càng các việc mà cha nương và bên nhà nội cùng với Lưu bá bên Tô Châu đang làm. Tương huynh và Châu phú hộ đã hiệp sức cùng nhau trong lần này chứng tỏ chuyện ân tình mấy chục năm về trước đã trở thành thân tình. Tánh tình Tương huynh vốn hào sảng, Châu phú hộ cũng là người có trí có nghĩa thì khúc mắc xưa đã hóa thành không; nhiều nạn dân nhờ vậy mà có chỗ nương cậy.

Vài ngày sau, Mai đương bàn tính với tứ Mi và a Nhành chuyện sắp đặt lễ cúng vào ngày rằm tháng bảy sắp tới thì có tin báo là Ngũ Lân công tử và ngũ thiếu phu nhơn tới thăm Tổng trấn phu nhơn. Cô và tứ Mi ra đón, chào hỏi đôi câu rồi lại trở về phòng để bàn tính tiếp.

Lúc trước Mai đã từng khấn nguyện Trời Phật cho nương tai qua nạn khỏi, nay nhân dịp rằm trả lễ đồng thời cô muốn xin sư trụ trì cho đặt ở sân chùa một bếp cơm chay cứu tế. Mai vừa ngồi nghe a Nhành với tứ Mi nói chuyện vừa có ý trông gặp Ngũ Lân. Nếu việc của Ngũ Lân đã xong và cô làm tròn lời hứa rồi thì cũng nên trở về Trần dinh. Ở nhà, cô còn rất nhiều việc cần làm, nhứt là tin tức mà Lý thúc nói mấy hôm trước khiến cô càng nhanh chóng quay về.

Lúc dùng cơm trưa, Tổng trấn phu nhơn mời cô tới. Mai nhìn sắc mặt bà rất tốt liền nhìn qua Ngũ Lân, ý tứ rất rõ ràng. Dùng cơm xong, phu nhơn về phòng nghỉ ngơi thì Ngũ Lân cũng hiểu ý theo Mai ra ngoài.

Trời xế bóng, Mai đứng dưới gốc cây cổ thụ ở sân trước của am tự nhìn ra xung quanh. Ngũ Lân đứng cách mấy bước cũng lặng lẽ ngắm phong cảnh, rồi hắn cũng thở dài nói.

– Tỷ thực biết chọn nơi ở,

Mai yên lặng giây lâu nhưng không nghe Ngũ Lân nói gì nữa thì quay lại nhìn hắn, cười nói.

– Tỷ còn đợi nghe đệ xuất khẩu thành thơ, cảnh đẹp vậy mà …

– Ha ha,

Ngũ Lân bật cười nhưng tiếng cười rất nhanh bị kềm lại. Mai nhìn thiếu niên mười tám tuổi anh tuấn, dáng người và nét mặt đều toát lên vẻ nho nhã hào hoa. Tuy dáng vẻ hôm nay của Ngũ Lân vẫn còn chút kiệt sức, mệt mỏi nhưng ẩn chứa trong đó là sự kiên cường của người vừa vượt qua gian khó khiến người khác nhìn thấy thì vừa khâm phục vừa thương xót.

– Đệ … nên tự hào mới phải, sao lại thở dài. Đông Hồ qua được hiểm họa này là nhờ vào đệ, tâm sức đệ bỏ ra bao nhiêu, tỷ đều biết. Tiếc là không thể nói cho tất cả mọi người hay biết.

Ngũ Lân lắc đầu, nụ cười nhếch môi tuy không rõ ràng nhưng ánh mắt rất sáng, lấp lánh niềm hoan hỷ và tự hào.

– So với tỷ thì …

– Cứu một người là công đức, cứu vạn người cũng là công đức.

– Phải, đệ hiểu!

Ngũ Lân đưa mắt nhìn xung quanh rồi trở lại nhìn Mai hỏi.

– Tỷ muốn đi thực à? Thời gian sắp tới còn khó khăn hơn nữa, tỷ nhớ giữ gìn sức khỏe.

– Ừ,

Mai mỉm cười nhìn Ngũ Lân. Qua một lần gian khó, hắn đã trưởng thành không ít.

Chiều tối hôm đó, Mai thưa với phu nhơn muốn trở về Trần dinh. Tổng trấn phu nhơn dẫu có thở dài thì cũng thuận ý. Bà phân vân rồi cũng quyết định tiếp tục ở lại am tự này. Trần lang y và ngũ thiếu phu nhơn sẽ ở lại chăm sóc cho bà, vài ngày sau thì tính tiếp. Mai lo tới đây là đã tròn phận sự nên cô chỉ ngồi yên lắng nghe, (ừm) thực ra thì tâm trí cô đang nghĩ tới chuyện khác rồi.

Tiết trời tháng bảy rất kỳ, lúc thì mưa tầm tã lạnh lẽo; khi thì trời nắng gay gắt cháy da. Con đường xuống núi của Mai vất vả hơn cả lúc lên vì giờ bụng cô đã lớn. Mỗi bước đi xuống đều bị cấn, cô không thể nhìn thấy mặt đất dưới chưn nên không dám sơ sẩy chút nào. Mai đi chậm khiến mọi người đều phải dừng lại chờ giữa cái nắng chói chang khiến cô hơi áy náy nhưng cũng chẳng biết làm sao.

Qua đoạn đường sỏi đá lưng đồi lại tới khúc lầy lội, người mang bụng bầu lớn như cô mà phải vượt qua đoạn sình lầy này đúng là vất vả. Mai ôm bụng bầu, nhìn đoạn đường lầy lội rồi nhìn mọi người mà dở khóc dở cười. Cô khua tay kêu mọi người cứ mang hành trang đi trước, cô sẽ từ từ đi theo nhưng không ai chịu. A Nhành không đủ kiên nhẫn đã chạy tới định ẵm cô lên nhưng Mai không chịu. Đi trong đất sình lầy thì ai cũng phải thận trọng, té ngã lúc nào không hay; a Nhành vốn lụp chụp, lỡ làm cô té xuống lại càng khổ hơn. Cả hai đang dùng dằng thì có nhóm người đi tới. Trần Tứ nhìn thấy tình cảnh trước mặt thì nhăn mày.

– Ta còn lo nàng gặp nguy hiểm gì, đợi hoài mà vẫn không thấy bóng dáng đâu. Ai ngờ,

Hắn bỏ dở câu nói rồi giao kiếm, cởi áo giáp đưa cho tùy tùng khom người ẵm Mai lội bùn trở lại bến tàu. Mai cũng không ngờ là có một ngày một vũng sình lầy có thể làm khó được cô, tiến lùi đều không đặng. Cô đặt tay lên bụng lẩm bẩm “Con đó, sao cứ làm nương khó xử, bị người ta cười chê!”

Dầu Mai không tạn mắt thấy người ta cười chê nhưng mà mấy cái đầu đang cúi gằm lội sình ở phía trước và phía sau kia chắc đang âm thầm cười. Nhứt là tứ Mi, muội ấy vẫn thỉnh thoảng ngước lên nhìn Mai nháy nháy mắt coi bộ rất đắc ý. Cô với Trần Tứ đã làm vợ chồng nhiều năm nhưng chuyện ôm ấp trước giữa đám đông là lần đầu, thực khiến cô ngượng ngùng quá thể!

Cuối cùng thì Mai cũng an toàn về tới Trần dinh, ngủ một giấc dài ở gian phòng quen thuộc. Mai tỉnh dậy thì trời đã tối hẳn. Cô ăn chén cháo nóng rồi đi tới thơ phòng. Cô thấy Trần Tứ đặt bản báo cáo về tình hình lũ lụt tại các vùng thì vừa rót cho hắn chén trà vừa hỏi.

– Chàng có nghe nói phía thượng nguồn Bassac thiệt hại ra sao không? Tổng trấn lệnh chàng về là do họ sao?

Trần Tứ đi ra phía trước, dắt Mai cùng ngồi xuống cái ghế dài rồi mới nói.

– Họ thiệt hại không nhiều như vùng hạ lưu nhưng của cải đều trôi hết. Theo ý họ là trôi xuống đây,

Trần Tứ ngừng lời, nhìn Mai tới lui mấy lượt rồi mới nói tiếp.

– Lý lão tướng quân lâm trọng bịnh, việc trấn thủ Đông Hồ đang bỏ ngỏ nên Tổng trấn lệnh ta về. Còn … việc này là Lý huynh mới gặp ta nói sáng nay. Lý gia hỏi chúng ta coi có thể … làm lễ thành thân cho a Sửu sớm hay không. Nàng thấy sao?

– Ý chàng là cưới chạy … Lý lão tướng quân bịnh nặng lắm sao?

– Ừ. Ta cũng nghĩ vậy,

– A Sửu mới mười lăm,

– Là mười sáu,

Mai nhăn mày, mười lăm hay mười sáu thì đâu có khác nhiều. Cô không muốn a Sửu thành thân sớm, Ngọc Nga cũng vậy. Hai đứa vẫn còn nhỏ quá, sự đời còn chưa hiểu gì thì thành gia lập thất sẽ thiệt thòi đủ thứ. Ngay lúc này, đứa nhỏ trong bụng cô đá một cái rất mạnh làm cô giựt mình.

– Sao vậy?

– Dạ, không sao. Chắc nó …

Mai cười bỏ qua không nói tiếp khi thấy Trần Tứ nhăn mày khó chịu. Rồi cô chợt nghĩ tới tình huống của mình hiện tại.

– Thiếp đang bầu bì sao đón dâu? Với nữa, có ai mà vừa cưới con dâu vừa sanh con như vầy, kỳ cục quá! Thế nào cũng bị chê cười!

– Ha ha, nàng nói đúng. Ta cũng chưa từng thấy!

– Hứ, chàng … sắp làm ông sui rồi mà còn giỡn,

– Ta làm ông sui thì nàng ông làm bà sui rồi đa, có bà sui nào mà … vầy vầy không!

Sau giây khắc vui vẻ, Trần Tứ đi trở lại bàn viết.

– Lát nữa ta viết thơ gửi cho nương và nhị ca hay.

Mai gật đầu biết là Trần Tứ đã đồng ý chuyện tỗ chức hôn lễ cho hai đứa nhỏ. Hai nhà Trần Lý đã định ra việc hôn nhơn từ năm trước, nay Lý gia đãlên tiếng thì Trần gia không nên chậm trễ. Theo quan niệm ở thời này thì đây là việc nên làm, chỉ có Mai là thấy tiếc cho hai đứa nhỏ. Chuyện lớn cả đời mà phải vội vàng tổ chức thì thiệt thòi cho tụi nhỏ quá.

Vì đường xá hư hại nên Mai không tiện đi lại, cô đành mời Từ thị tới Trần dinh một chuyến để bàn bạc. Lý gia quả nhiên thực lòng muốn gả Ngọc Nga sơm vì sợ lỡ như Lý tướng quân có mệnh hệ nào thì phải chờ ba năm sau. Lúc đó, Ngọc Nga mười chín tuổi là sắp quá tuổi nên e sợ Trần gia sẽ tìm tiểu thiếp cho a Sửu. Mai đương nhiên không dễ dàng cho phép a Sửu có tiểu thiếp hay đại thiếp gì hết nhưng cô không thể giải thích với Lý gia. Mà dầu cô có giải thích chưa chắc họ đã tin, thôi thì cứ để hai đứa nhỏ thành hôn rồi từ từ tìm hiểu nhau cũng đặng.

Lúc mọi người biết tin qua đầu tháng tám thì hôn lễ sẽ được cử hành thì đều vui vẻ. Đương nhiên là có người phát hiện ra tình huống ‘xấu hổ’ của Mai mà trêu chọc. Tứ Mi cười nói.

– Mai mốt a Mai ở cữ thì đã có con dâu lo liệu chăm sóc rồi, chúng ta đỡ phần cực nhọc.

Mai nghe tới đây thì đúng là xấu hổ, dở khóc dở cười. Tiếng tăm này chắc mấy chục năm sau vẫn còn bị người nhà nhắc lại để trêu chọc. Cô lại vỗ vỗ bụng bầu của mình nói nhỏ “Sao con toàn đem chuyện xấu hổ tới cho nương vậy? Thiệt là …”

1 bình luận về “Chương 727: Dở khóc dở cười”

Viết một bình luận

error: Content is protected !!