Ở lượt về, đoàn thương thuyền không xuất phát cùng nhau mà kết thành nhóm nhỏ cho thuận tiện việc mua bán dọc đường. Cho nên nhóm của Tương huynh và vài người khác đã về tới Đông Hồ lâu rồi mà nhóm người Vũ bá và Trương bá còn chưa thấy trở về.
Tiểu công tử Mạc gia, Mạc Tử Lang giành vị trí thứ ba trong số hai mươi vị công tử tham gia tranh tài khiến mọi người rất nể phục. Người ta hỏi han chuyện thi đấu ra sao, tế Đàn Nam Giao thể nào. Rồi người ta cũng nhớ tới tiểu công tử của Trần gia mà hỏi han. Trần dinh ra chiều tiếc rẻ mà nói rằng vì a Sửu sức khỏe kém nên đi ra tới đó thì nhuốm bệnh, đành phải bỏ lỡ cuộc thi.
Mỗi thương lái đi Chánh Dinh về đều có câu chuyện của riêng mình. Như Tương huynh làm mẫu, huynh ấy là người vận chuyển hàng cho các thương lái mà người trong nghề nói ngắn gọn là đi chành thì huynh ấy chú ý coi cách người ở ngoài đó chuyên chở ra sao, tàu bè được đóng thế nào.
Cả nhà Mai từ lớn tới nhỏ đều say mê và hào hứng nghe chuyện trên đường đi rồi sinh hoạt hay thói quen của người miền ngoài, mấy cái khác lạ so với trong này. Lưu bá nói đợi nhóm người của Vũ bá bá về tới, sắp đặt xong thì hẹn cùng nhau mở tiệc ăn mừng, coi như là chuyến đi mỹ mãn. Lưu bá đứng lên sảng khoái nói:
– Lần này tôi để cả nhà con trai lớn ra riêng, muốn mời bà con bạn hữu bữa cơm gọi là mừng cho con cháu.
– Lưu huynh thiệt là, a Tương cũng là phú hộ rồi đa! Đệ mới nghe người ta kêu Lưu phú hộ đây nè,
Ha ha, mọi người vừa cười vừa nói thêm mấy câu trêu ghẹo Lưu bá và Tương huynh giữ kẽ quá, nói nhỏ nhẹ vậy là tính đãi tiệc đứng hay sao. Tiệc đứng là cách người ta nói tới bữa tiệc mà chủ nhà không lịch sự mời khách ngồi ghế hay những nhà hà tiện chẳng có món ăn nào để đãi khách đến đỗi khách phải đứng dậy hết trơn vì ngồi mất công mang tiếng.
Lúc Mai dắt tay tiểu Hà đi bộ theo con đường đất về lại nhà thì khuôn mặt nó nhăn nhó và thở dài thở vắn khiến Mai mắc cười hỏi.
– Con sao vậy?
– Nương, nhị ca sao bệnh vậy? Chẳng đi thi nữa thì chắc là không đặng giải thưởng gì hết!
– Ừ,
Mai định trả lời qua loa nhưng cô cảm giác có sự lạ nên cúi người xuống, ôm hai bên mặt tiểu Hà hỏi.
– Coi bộ con rất tiếc, rất muốn có giải thưởng hả?
– Dạ, dĩ nhiên rồi! Nhị ca nói nhất định sẽ thắng giải rồi cho con hết số bạc vàng đó, ai dè,
Tiểu Hà nói hai tiếng cuối bằng giọng chảy dài buồn bã, gương mắt của nó nhìn cũng có vẻ buồn phiền lắm. Đúng là gương mặt của người vừa mất của.
– Hà, con buồn một chớ nhị ca con buồn tới hai ba lần, con biết không?
– Dạ, … biết.
– Vậy mai mốt nhị ca con về thì không hờn dỗi mà phải an ủi, biết không?
– Dạ biết mà nương, mà nương ơi, chừng nào nhị ca về?
– Ừ, nhị ca con sẽ về một lượt với ông nội.
Mai đẩy tiểu Hà đi nhanh lên trước vì trời chuyển mây đen, thêm nữa là cô không muốn nó cảm nhận được cảm xúc của cô qua câu trả lời. Buổi tối mà Tương huynh vừa cập bến Đông Hồ thì huynh ấy đã vội vã tới đây gặp Mai và Trần Tứ. Trương bá, Vũ bá bá cùng nhóm cựu binh Trần dinh cử đi sẽ ở lại Chánh Dinh thêm thời gian nữa. Họ không biết việc Trần tướng quân lâm bệnh mà chỉ biết rằng nếu a Sửu còn chưa khởi hành thì họ vẫn sẽ ở lại đề phòng bất trắc.
– Mạc tiểu công tử và Nguyễn công tử tranh đặng nhì ba, được Quốc công trọng thưởng. Đỉnh Thịnh hầu đã mời tới trướng doanh mấy lần. Lúc ta về thì họ vẫn đương ở trong phủ của Đỉnh Thịnh hầu. Sợ muội ở nhà trông đợi nên ta về trước,
– Dạ, đa ta huynh!
– Nói vậy làm gì!
– Đệ có nhận tin báo từ nhị ca, Trấn Biên luôn có tin truyền. Lưu huynh an tâm, đệ sẽ theo sát tình hình.
– Ừ, về tới đây rồi thì thư tín của chúng ta không nhanh bằng chỗ đệ, ta biết. Thôi, ta về nhà kẻo người ta nghi ngờ.
Mai nhớ lại buổi nói chuyện hôm trước với Tương huynh mà lòng càng hoang mang lo lắng. Trên đường đi, đoàn thương thuyền và nhóm người Trần dinh đã phô trương và truyền tin rộng rãi cho khắp nơi họ đi qua rằng Quốc công lệnh chỉ tới Chánh Dinh để dự lễ tế Đàn Nam Giao, thi khiển tượng xong thì cho trở lại vùng biên. Nay lễ tế và hội thi đã qua lâu mà người chưa trở về, dầu họ có được mời ở lại làm khách thì cũng đâu thể lâu như vầy.
Không lẽ nào Đỉnh Thịnh hầu và Quốc công thực là muốn giữ hậu nhơn của tướng lĩnh vùng biên ở lại kinh đô để dễ bề kềm tỏa; và việc tổ chức thi thố lần này chỉ là cái cớ như Mai đã nghi ngờ. Dầu Mai đã lập kế lan truyền tin tức khắp nơi về lệnh chỉ của Quốc công thì ngài cũng bất chấp cả thanh danh, dùng thủ đoạn để giữ mấy đứa nhỏ lại. Nếu thực là vậy thì cô nên làm sao?
Mai đi vào hành lang thì thấy thể nữ bưng mâm trà bánh ra ngoài hậu viên, cô nhìn ra đó coi là khách nào thì thể nữ nói.
– Dạ bẩm thiếu phu nhơn, Huỳnh quan nhơn vừa tới, thiếm hai dặn dâng trà.
– Ừ, ta sẽ ra theo. Hà, con về tắm rửa sớm để mưa lạnh nghe,
Tiểu Hà dạ rân rồi chạy đi. Mai nhìn trời chiều gió lộng như sắp mưa thì bước nhanh theo thể nữ ra Mai viên.
Ông cậu mất đã hơn một năm rồi nhưng Trần tú tài và Đồng Sanh ca vẫn thường tới Mai viên, ngồi dưới cội mai già trầm ngâm tưởng nhớ, đặc biệt là những khi họ có tâm sự hoặc điều gì nan giải. Tình huống hiện tại của Đồng Sanh ca chắc là vì vụ án liên hoàn của Lưu gia làm cho bí bách.
– Ca, sắp mưa rồi!
– Ừ, ca ngồi một lát rồi về.
Mai phì cười xua tay nói.
– Muội đâu có dám đuổi mà chỉ nhắc hỏi ca có muốn tới đình thủy tạ không thôi.
– Hả? Ừ, lát nữa đi. Dạo này ca … thực sự có việc phiền lòng.
– Vậy muội không làm phiền, để ca tĩnh tâm suy nghĩ.
– À, không sao! Muội đã biết hết rồi, chẳng làm ta bận lòng gì đâu.
Mai bĩu môi nhưng không quay trở vào mà ngồi xuống cái ghế đối diện. Cả hai nhìn mông lung ra mặt nước hồ đã đầy sau những ngày mưa, cá đớp mồi làm sóng gợn miên man. Trên trời, từng bầy chim gọi nhau về tổ. Cả không gian rộng lớn có vẻ rất sôi động mà dường như rất tĩnh. Có lẽ động hay tịnh đều do mỗi người cảm nhận, từ trong tâm.
– Muội thấy gì ở đó mà say mê vậy?
– Nhiều thứ lắm, mỗi ngày muội đều thấy sự thay đổi ở đây, phía đó nữa. Không phải chỉ theo mùa mưa nắng đâu, mà theo từng ngày, thậm chí từng giây từng khắc. Còn ca?
– Ta không thấy nhiều như vậy, ta nghĩ rằng hễ nhìn lâu thì sẽ thấy hết biết hết … nhưng mà đôi khi không phải vậy. Có vài thứ ta đã nhìn ngó, suy gẫm rất lâu mà vẫn không hiểu thấu. Rõ ràng là mình đã biết kết quả, biết do ai làm nhưng không sao tra ra họ làm như thế nào!
Ánh mắt của Đồng Sanh nhìn xa xăm, lời nói như tự sự. Mai đoán rằng Đồng Sanh đang nghĩ tới vụ án Lưu gia, ca ấy đúng là không dứt ra đặng.
– Ca, hồi đó mỗi lần thầy dạy bình thơ, thầy đều nhắc rằng chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của thi sĩ thì mới hiểu bằng hết cảm xúc và tâm tư khi sáng tác, rồi từ đó mới phân tích câu chữ. Muội thấy cách này dùng cho rất nhiều việc, đặc biệt với vị trí của ca bây giờ. Ca nên đặt mình vào tâm thế của người nọ thì mới hiểu đặng cách thức họ hành động,
– Ý muội nói là, ta cần phải giả như mình là …
– Không phải giả như, mà là thật như,
Đồng Sanh đã lại chìm vào suy nghĩ của riêng mình nên không nghe hết câu nói trêu chọc của Mai. Ca ấy đứng lên chậm rãi lui tới, vòng quanh.
Tháng sáu trời chuyển rất nhanh, mưa đã rớt hột lộp độp trên lá mà Đồng Sanh vẫn còn chưa biết. Mai đằng hắng rồi nói.
– Muội kêu người dọn ít thức ăn bên thủy tạ, ca qua đó nghĩ tiếp nghe.
– Ừ.
Đồng Sanh giựt mình như tỉnh, hiểu ra rồi quay người sải bước. Mai cũng xoay người định vào nhà sau thì nghe tiếng Đồng Sanh nói.
– Trước đây, ta từng hứa với một người rằng sẽ giữ gìn chức nghiệp, làm một vị quan thanh liêm, dù ở bất cứ đâu và trong hoàn cảnh thể nào. Ta đã từng tin người nọ là bậc chí quân tử, xứng đáng để mình tận sức phò trợ. Nhưng mà, như muội vừa nói đó, đặt mình vào vị thế của người đó thì quyền lực mới là trên hết, thanh danh ư, ta nghĩ không hẳn là theo cách mà chúng ta vẫn nghĩ.
– Ý ca là gì?
Mai chưa hiểu hết ẩn ý trong lời nói của Đồng Sanh ca là gì, còn người nọ thực ra là ai nhưng cô biết là ngẫu nhiên mà Đồng Sanh nhắc tới lúc này.
– Cha có gởi thơ cho ta. Đoàn Án sát có tới gặp mặt, có dẫn theo Bùi Minh Luân công tử. Bây giờ chắc là đã được Quốc công triệu vào diện kiến.
Ầm ầm,
Sấm nổ đùng đùng ngay sát phía trên, liền sau đó là mưa trút xuống như xối. Đồng Sanh nói lớn trong mưa gió.
– Ta chỉ biết bấy nhiêu!
Mai nhìn ca ấy rảo bước nhanh, là ra ngoài sân trước để về chớ không phải tới thủy tạ.
– Thiếu phu nhơn, mưa ướt hết rồi! Mời người vô nhà mau!
Thể nữ vừa nói vừa lấy tay áo rộng che phía trên cho Mai nhưng đâu có tác dụng gì. Một giọt nước lọt vào trong cổ áo, lạnh lẽo khiến cô rùng mình rồi nhận ra mình đang đứng giữa mưa.
– Chạy vô trước đi.
Cô xua tay biểu thể nữ cứ chạy đi trước, cô vén váy theo sau.
Mưa tới làm trời tối rất nhanh, mấy ngọn đèn đã được đốt lên. Bàn ăn đã dọn xong, tiểu Hà chạy tới.
– Mời nương ăn cơm! Sao nương ướt hết vậy, mau, thay đồ hong thôi cảm lạnh à!
Kiểu bắt chước người lớn, ra vẻ ta đây của tiểu Hà khiến Mai thấy ấm áp trở lại. Cô đẩy nhẹ vai nó nói.
– Con lại bới cơm đi, nương thay áo rồi ra liền.
Lúc cả hai ăn xong bữa cơm thì trời đã ngớt mưa. Mai hối tiểu Hà vào thơ phòng học viết chữ, cô ngồi xuống bàn giấy viết rất nhiều, rất dài rồi lại xé. Sau hai ba lượt thì cô bình tâm lại, viết một phong thơ ngắ nhất và đầy đủ ý nhất rồi nhờ Lý thúc truyền khẩn cấp ra Xà Xía.
– Sáng mai tôi đưa tiểu Hà đi Nam Phố sớm, thúc nhắn tướng công tới đó.
– Được, tôi sẽ sắp đặt.
Đêm nay mưa không lớn, chỉ có sấm chớp giằng xé giữa trời đêm đen thẳm. Mai muốn gặp Trần Tứ liền lúc này để kể rõ chuyện ban chiều nhưng cô không thể bỏ tiểu Hà ở nhà một mình. Có những đêm sao người ta thấy rất dài, dù cả người mệt mỏi nhưng không cách nào ngủ đặng. Mai trở người nhìn ra bên ngoài, tiếng gà gáy rộ nữa rồi, không biết là canh mấy, khi nào thì tới canh năm?
nếu cái người đó ngoài kia không cần thanh danh, thì đoàn thuyền buôn từ Đông Hồ ra Chánh Dinh đâu có tác dụng gì, A Sửu biết bao giờ mới về đuợc nhà, Bùi gia còn thêm vây cánh ở ngoài kia, Mai lại đau đầu nữa rùi.