Đã hai ngày trôi qua mà chưa nghe tin tức của Hồ Lung thúc và cả Cô Pan. Trước kia Trần Tứ đã từng là thuộc tướng của Trương Trung quân và cũng thông thuộc ít nhiều vùng Giá Khê nên hắn đã dẫn vài tùy tùng xuống đó xin gặp tướng quân. Sao ca đã trở lại nhà, tìm cớ để Lý thúc đưa người nhà lên Đông Hồ. Mai lo lắng nhưng vẫn phải ở lại Trần dinh để giữ đầu mối liên lạc giữa mọi người. Cô nóng lòng đi lại quanh sân, tới lui lên xuống hành lang. Vì cuống chân bức bối, cô ra bến rồi lên chiếc ghe nhỏ chống ra khỏi góc quanh của rặng dừa nước. Được một lát thì Mai nghe tiếng mái chèo khua nước. Cô đợi chiếc ghe tới gần mới lên tiếng hỏi.
– Dạ, dì năm tìm con?
– Ừ,
Dì năm chỉ ừ rồi dừng lại, sắc mặt thâm trầm nhìn Mai rồi quay nhìn ra vũng Đông Hồ. Mai biết ý lặng im chờ đợi.
Tháng sáu trời mưa đã nhuần, khắp nơi loang loáng ánh nước. Nắng cũng rạng rỡ chan hòa, mặt vũng Đông Hồ mênh mông, nước mang phù sa trôi lờ lững. Cảnh bình yên giữa trời chiều làm Mai bình tâm lại. Nơi nầy yên bình quá, không hề có chút dấu hiệu bất thường nào, hay là do cô nhìn chưa ra.
– Hồi đó, thời xa xưa lắm, lúc đó nước biển bao phủ cả vùng này. Sau đó thì không biết sao nước biển rút xuống, vài chỗ đất cao mới nổi lên. Cây cối mới bắt đầu sinh sôi rồi thành rừng. Chừng sau nữa thì tổ tiên của ta mới tới nơi này ở.
Dì năm nhấn mạnh mấy tiếng “tổ tiên ta” làm Mai chú ý hơn. Trước đây cậu hai và Thon bá chỉ kể cô nghe một ít về hình dạng và tính cách của nòi giống người cao lớn của dì. Mai hy vọng sẽ được nghe chi tiết hơn từ miệng dì năm.
– Qua thời gian, giống loài nào cũng thay đổi hết rồi!
Dì năm dập tắt sự tò mò của Mai, cô lại tự hỏi vậy thì dì năm muốn nói với cô cái gì?
– Chúng cũng thay đổi,
Dì năm vừa nói vừa lấy từ trong ngực áo ra một xấp những lá cây hay vỏ cây gì đó có màu nâu sậm, cắt thành hình chữ nhật giống như một cuốn sách lớn, được xỏ lại bằng dây rừng.
– Hồi xưa, chúng ta gọi chúng bằng “Thuồng” hay “Thuồng luồng”. Những nhóm người khác tới thì kêu là Mak-ka hay Thìn.
Mai bắt đầu hiểu dì năm muốn nói tới cái gì rồi. Nhưng có vài cái tên cô mới nghe lần đầu, chắc là cách gọi của những giống người khác, ngôn ngữ lạ nên cô không rõ. Dì năm không coi là quan trọng nên nói lướt qua làm Mai không dám hỏi kỹ.
Dì năm lật ra vài tờ đầu tiên trong cuốn sách lớn. Những hình vẽ rất đơn giản và khó mà đoán là gì. Cũng may là có dì năm nói trước về lịch sử vùng đất này nên Mai đoán ra được phần nào. Đến tờ giấy thứ năm, dì chỉ vào hình vẽ của một sinh vật được gọi là “Thuồng”. So sánh tỷ lệ giữa con Thuồng và mấy người đang vây quanh nó, Mai đoán là tổ tiên của dì năm, thì con Thuồng chỉ lớn hơn gấp hai ba lần. Nhưng sức mạnh của nó chắc chắn là không nhỏ, nếu không thì không cần nhiều người vây quanh đánh nó như thế.
Hình ảnh tiếp theo nữa là một sinh vật khác tương tự con Thuồng nhưng thân mình dài hơn, không có chân và nhỏ hơn một chút, giống y như con rắn vậy.
– Đừng coi thường. Tuy con Tỵ nhỏ hơn con Thuồng nhưng nó rất độc. Chỉ cần trúng phải nọc độc của nó thì khó mà sống được quá ba ngày. Nếu trúng phải nọc của con chúa thì không quá ba canh giờ. Con chúa, …bọn chúng có ma thuật.
– Ý của dì là ..
Dì năm không đợi Mai hỏi hết câu đã nói tiếp.
– Năm trước chuột tăng lên nhiều chính là điềm báo. Bọn chúng đang mạnh dần lên nên muốn lấn lướt các loài khác. Ta có biết chuyện đang xảy ra ở Giá Khê. Cháu phải cẩn thận, coi kỹ cái này.
Dì năm úp lại cuốn sách, đặt lên tay Mai. Dì lại quay mặt ra nhìn vũng Đông Hồ, thở dài rồi nói như lẩm bẩm cho riêng mình.
– Thời gian thay đổi, nhiều giống loài đã sắp đi đến bước đường cùng để nhường cho loài khác. Nhưng vẫn có những loài đang muốn trở lại, sẵn sàng tàn diệt để mạnh lên. Chúng ta không muốn tham gia vào nhưng .. ta không hứa, chỉ là .. thôi ta về đa.
Dì năm nhìn Mai lần nữa trước khi chiếc ghe nhỏ khuất sau những rặng cây. Mai cất cuốn sách rồi nhanh chóng quay về nhà.
Sau khi a Sửu đã ngủ, cô mới vặn sáng ngọn đèn, mở lại cuốn sách cổ xưa ra coi. Trong ánh đèn dầu lay động, những hình vẽ trong sách như có sức sống hơn, cũng khiến người ta dễ liên tưởng tới những điều mà người vẽ muốn truyền đạt. Ngoài những tờ đầu dì năm đã chỉ thì những tờ sau là vẽ cảnh chiến đấu giữa các loài. Chủ yếu vẫn là hình vẽ tổ tiên của dì năm chống lại những con Thuồng và Tỵ từ dưới nước, trong rừng rậm cho tới ven bờ biển.
Hình như cuốn sách này không được vẽ cùng lúc mà do rất nhiều người vẽ trong một khoảng thời gian rất dài. Họ vẫn dùng một loại lá cây hay vỏ cây nhưng sắc vàng khác nhau. Quan trọng hơn là hình dáng của mấy con Thìn Tỵ có thay đổi và tổ tiên của dì năm cũng thay đổi.
– Coi cái gì mà nhập tâm dữ vậy?
Mai giựt mình khi nghe tiếng Trần Tứ sát bên tai. Cả người hắn đã ướt, thì ra ngoài trời đã mưa mà cô không hay.
– Chàng thay quần áo đi. Ăn cháo nóng hay muốn ăn cơm? Có cháo cá,
– Ừ, ta ăn cháo cho gọn.
– Dạ.
Mai ra ngoài nhờ thiếm Đoàn chuẩn bị tô cháo cá còn mình thì soạn quần áo cho Trần Tứ thay. Mai đợi Trần Tứ ăn uống xong, về tới phòng mới hỏi thăm tình hình ở Giá Khê.
– Trương tướng quân đang điều tra. A Sao, Thon bá với vài người khác đã tới doanh trại để phối hiệp.
– Thiếp vẫn chưa có tin của Hồ thúc. Chỉ còn hai ngày nữa là đến kỳ cúng giỗ rồi, thúc ấy khác hơn mọi năm.
– Dù thế nào thì chúng ta vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ cần tra ra được kẻ ngoài kia thì phải ra tay. Ta đã xin phép Tổng trấn đại nhân được tham gia trận này vì ta đã từng ở Giá Khê lúc trước.
Mai biết ý Trần Tứ đã quyết thì công không nên bàn ra nhưng cô thoáng nhìn lại cuốn sách trên bàn. Nghĩ tới chuyện Trần Tứ và cả Sao ca có thể phải đối mặt với hai loài thủy quái kia thì không khỏi lo sợ.
– Chàng có nghe nói về con Thuồng chưa?
– Ai mà chẳng nghe!
– Cũng phải, vậy thiếp cho chàng coi cái này chàng đừng sợ!
Ha ha, Trần Tứ bật cười lớn khiến a Sửu giựt mình ngồi dậy. Mai phải chạy lại giường dỗ nó; vừa dỗ con vừa trừng mắt với chồng. Cô ra dấu cho Trần Tứ thấy cuốn sách trên bàn, ý kêu hắn lật ra coi.
Lúc Mai dỗ cho a Sửu ngủ lại rồi thì cô mới cảm giác cả gian phòng im lặng khác thường. Trần Tứ đang nhìn vào một hình vẽ nào đó mà rất tập trung. Mai đi lại gần thì thấy đó là hình vẽ gần cuối cuốn sách. Con Thuồng to lớn và con Tỵ năm đầu đang quần nhau. Thân hình hai con tuy hai mà như một. Dù con Tỵ đã bị cắn vào giữa thân như sắp gãy nhưng năm cái đầu nó vẫn vươn cao trong tư thế chiến đấu. Trong hai con mắt lớn của con Thuồng như có chút sợ hãi nào đó, cả tròng mắt đã bị nhuộm đỏ.
– Nó sắp phun độc, không, có lẽ con Thuồng đã trúng độc rồi.
– Sao nàng biết?
– Thiếp nghe dì .. à, người ta kể.
Mai ngồi xuống cái ghế bên cạnh, kể lại cho Trần Tứ nghe câu chuyện chiều nay. Cô cũng nói thêm vài suy nghĩ và lý giải của mình.
– Ngày xưa thì kêu vậy, giờ mình hay nói trại là Thìn Tỵ, chàng thấy đúng không?
Trần Tứ không gật đầu hay lắc mà trầm ngâm một lát mới nói.
– Theo nàng thì vì sao “người ta” lại kể cho nàng nghe chuyện nầy. Có phải ở Giá Khê sắp sửa có,
– Hả? Ý chàng là,
Cả hai người đều không dám tin vào ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu mình, nhìn nhau rồi nhìn vào bức tranh. Nếu thực sự sắp xảy ra cuộc phân tranh giữa hai loài này ở vùng Giá Khê thì sẻ gây nguy hiểm cho các ngôi làng trong đó, còn cả doanh trại thủy quân nữa. Hơn nữa, chúng đâu chỉ có một hai con mà biết đâu là cả đàn.
– Ta trở lại Giá Khê, phải báo cho dân chúng đi tản khỏi nơi đó.
– Vùng rừng rậm mênh mông, phải chi biết chúng ở đâu thì tốt.
– Nàng thử hỏi “người ta” coi sao.
Trần Tứ chắc đoán biết được ai là người đã đưa cho Mai cuốn sách nhưng hắn thấy cô tránh né không muốn nhắc tên nên cũng giả lơ như không biết. Mai gật đầu nói.
– Thiếp sẽ thử. Chàng nhắn lời với Sao ca rằng thiếp đoán là nơi đó sẽ không gần đầm nước ngọt.
– Được, ta sẽ nói.
Trần Tứ còn chưa kịp ngả lưng xuống giường thì đã vội vàng lên ghe. Nhóm lính tùy tùng và a Chảy bá chắc đã quen với việc quân cấp bách nên rất nhanh chóng đã chất đầy lương thực, quần áo vũ khí tề chỉnh rồi tách bến luôn.
Đêm nay Mai ngủ không ngon giấc, hình ảnh trong sách kia cứ ẩn hiện trong trí. Nếu như dì năm muốn cho cô biết suy đoán của mình về chuyện hai loài Thìn Tỵ đang phân tranh ở đâu đây thì dì chỉ cần kể là được. Mai sẽ tin dì vì cô đã biết phần nào về tổ tiên của dì đang sống ẩn dật giữa rừng.
Vậy tại sao dì lại đưa cô cuốn sách này, phải chăng ẩn bên trong những hình vẽ là cách mà tổ tiên dì đã đánh thắng được các loài thủy quái. Họ đã thắng vì họ vẫn tồn tại ở nơi nầy. Chỉ có điều là họ tổn thất quá nhiều nên mới lui vào ẩn dật.
Tiếng gà báo canh đầu canh tư. Mai thức dậy, khêu ngọn bấc và châm thêm dầu rồi lại mở lại từng trang sách ra coi. Nương a Cửu dậy sớm, châm cho Mai bình trà bông cúc làm tinh thần cô minh mẫn trở lại. Những hình ảnh trong tranh gợi lên cho cô nhiều ý nghĩa hơn. Mai bắt đầu phân tích rồi ghi chú ra giấy những điều mình “thấy” được.
Khi trời rựng sáng, Mai ngồi đọc lại những ghi chép, gạn lọc trong đó những thông tin cần thiết. Vẫn chưa rõ ràng, không biết cô còn được bao nhiêu thời gian trước khi cuộc đấu xảy ra. Cô chỉ biết rằng mình sẽ cố gắng hết sức để tìm ra cách khắc chế sức mạnh của cuộc phân tranh này.
hay nhờ ông Hạm giúp, hai con này không biết có sợ ông Hạm không hoặc là người bên dì năm, hai con này mà oánh chắc long trời lở đất.