Trời về chiều, cửa tiệm Phụng Hiệp vẫn vang lên đóng tiếng gõ. Sinh ca và mấy người thợ lành nghề thì đóng ghe mới bên trong. Ngoài sân và dưới bến thì Hào ca và thợ phụ vẫn miệt mài sửa ghe. Đa số ghe được đem tới sửa là do bị hà ăn mục ván đáy, hoặc là ghe bị rò nước do xài lâu.
Gần đó, nhiều ghe xuồng của thương lái đã neo lại, lên khoảng đất trống bắt bếp để nấu cơm chiều. Mấy đứa con nít được thả lên bờ nên chạy quanh, có đứa chạy lại coi sửa ghe, đứa thì chạy vô hàng quán kiếm mua kẹo bánh. Gió thổi lộng rồi, nhiều người nhìn ngó trăng sao mà đoán mưa đoán nắng.
Mai đi vào nhà trong gặp tam tẩu trước rồi mới ra cửa tiệm. Cơ ca đã vô gian phòng nhỏ, lấy cuốn sổ ra để trên bàn. A Duyên chạy ra kêu Sinh ca và Hào ca vào.
– Lát nữa a Hữu ghé tới đó.
Sinh ca vừa lau tay vừa nói. Về chuyện kinh dinh buôn bán, Hữu ca vốn lanh lẹ và ưa thích mua bán giao thiệp hơn Sinh ca.
– Mai, coi cái này trước đi. Cái này tứ ca coi rồi,
Cơ ca đẩy cuốn sổ qua cho Mai. Trong này ghi các loại ghe mà xưởng Nguyễn gia ở Trấn Giang đang bán, số lượng bán hàng tháng.
– Mấy cái ta đánh dấu mực là kiểu giống của chúng ta. Họ bán rẻ hơn chúng ta một phân, có loại tới một phân rưỡi lận.
– Tiền lương họ trả sao ca?
– Nhiều hơn chúng ta một chút,
– Vậy họ lời cỡ bao nhiêu?
– Ít lắm, chỉ có loại ghe tam bản này, họ dùng gỗ xấu nên giá rẻ là đúng. Nhưng mà ghe xài hai ba năm là hư rồi. Đâu giống ghe nhà mình,
Mỗi người nói một câu giúp Mai hình dung được tình hình buôn bán của hai xưởng. Ở Đông Hồ thì xưởng ghe của Mai chuyên đóng loại lớn, tàu đi biển, xà lan hay tàu chở hàng của thương lái. Người ta coi trọng chất lượng hơn, vì đang chở hàng mà bị sự cố gì là hàng hóa đổ sông đổ biển, sạt nghiệp luôn chớ chẳng không.
Xưởng Phụng Hiệp thì chuyên đóng ghe xuồng nhỏ dùng để đi lại, đánh bắt cá trên rạch hoặc sông nhỏ. Người mua là dân thường nên chuyện giá cả thấp hơn một chút thôi là họ ưng liền.
– Mà giá họ chưa phải là thấp nhất đâu, có mấy xưởng nhỏ khác giá còn rẻ hơn,
– Cái đó là do ở nhà họ làm lai rai thôi, chỉ đóng được tam bản là cùng,
Cuộc nói chuyện ngưng lại giữa chừng vì đã tới giờ về, mấy người thợ dọn dẹp xong nên vào cho Hào ca hay.
– Ta ra đóng cửa luôn,
Mọi người đều ra ngoài chỉ còn lại mình Mai trong phòng. Tiền lương thợ cao hơn ở đây một chút là bắt buộc vì dù sao xưởng đó sát ngay thị trấn Trấn Giang. Nguyễn gia muốn dùng giá bán rẻ để lôi kéo khách hàng về xưởng của họ. Cạnh tranh nhau về giá không phải là hiếm nhưng cách này sẽ khó mà giữ lâu. Trừ khi Nguyễn gia có tài sản rất lớn, tiền muôn bạc vạn.
Mai thoáng nghĩ tới kho tàng mà cô đang chiếm giữ. Mấy năm nay cô vẫn tung ra một ít ngà voi và vài khối ngọc quý. Nhưng cô chỉ dùng cách này để duy trì lượng khách hàng đang có, họ biết nhà cô có “nguồn hàng” ổn định sẽ không bỏ đi. Lượng lớn ngà voi và ngọc quý vẫn chưa suy xuyển. “Không được, mình không nên dùng tới. Nghĩ cách khác coi sao đã”, Mai lắc đầu bỏ qua ý nghĩ này.
– Trần tướng quân nói thế nào?
– Ca, ca về rồi à?
Hữu ca bước vô thấy đăm chiêu rồi lắc đầu thì hỏi. Mọi người cũng lần lượt quay vào. Mai kể lại tình hình bữa nói chuyện của cô và Trần tướng quân.
– Tướng quân còn chưa trả lời thì bị nhị ca chen vô. Muội cũng chưa biết sao,
Ha ha, Hữu ca bật cười rồi nói.
– Vậy nghĩa là đồng ý đó. Chẳng lẽ muội muốn tướng quân kêu lớn nói: Ừ, con cứ đánh Nguyễn gia tơi bời đi, hả?
Mai bĩu môi, nửa đồng tình nửa không. Hữu ca càng lúc càng tinh ranh lại thêm chút lỗ mãng của dân thương lái.
– Ca có biết gì về tài sản của Nguyễn gia không? Phá giá kiểu đó thì họ chắc có tiền tài lớn lắm mới dám làm.
– Nguyễn gia có nhiều chi nhánh, họ hàng. Họ làm ăn rải rác khắp nơi, cũng đủ các nghề nhưng không thấy cơ sở nào lớn. Ở Trấn Biên họ có hai cửa hàng lớn mua bán lúa giống, mà nhà cửa là do Bùi gia nhượng lại. Buổi đầu cũng dựa vào Bùi gia kiếm mối lái,
Cơ ca tiếp lời.
– Ở Trấn Biên họ cũng có vựa trái cây, chúng ta cũng bán đường cho họ đó.
– Họ che dấu ở nhiều mối, khó mà biết tường tận lắm. Đã vậy, phía sau họ có Bùi gia nữa, chúng ta khó mà so bì,
– Thì nhà chúng ta có a Mai nè, có Trần gia chi!
A Duyên còn nhỏ nên nghe nói tới so bì thì phản ứng ngay lập tức liền.
– Đệ đó, chẳng biết ất giáp gì, chỉ lớn họng. Không nhớ cha dặn cái gì hả?
Cơ ca bực mình nên vói tay gõ cái cốc lên đầu a Duyên. Mai nhìn mấy anh em như muốn biết chuyện gì. Sinh ca đành đằng hắng nói.
– Bữa cha đã định rồi, bán ít lại một chút. Nhà mình còn xưởng đường, còn làm ruộng đâu có đói mà sợ. (Hèm), Trần Tứ mới xuống Đông Hồ, còn chưa quen đâu, chúng ta không thể liên lụy muội với hắn được. Không phải vạn bất đắc dĩ thì không được làm,
– Ừm,
Mai nén lại xúc động vì tấm lòng của cậu hai đối với mình. Ông bà ngoại với cậu luôn nghĩ cho cô trước tiên.
– Thật ra thì có một cách rất dễ dàng làm cho cái xưởng kia khốn đốn, chỉ là,..
– Cách gì?
Ba bốn cặp mắt đều nhìn về phía Mai. Cô giơ cuốn sổ lên chỉ vào ba tên ghe.
– Ba kiểu ghe này có thể coi là một nửa quân dụng, dân thường không được sản xuất hay buôn bán gì hết. Nếu làm sẽ lâm vào tội trọng,
– Nghe nói hai vị khâm sai sắp tới Vũng Gù, vậy chúng ta chỉ cần,
Hữu ca chen vào nói rất đúng ý Mai. Nhưng ca ấy cũng chỉ dám nói nửa chừng. Dù là Hữu ca đã ra ngoài buôn bán, va chạm nhiều, đôi khi cũng phải đút lót quân tuần lính canh nhưng dính dáng tới quan quân thì chưa. Đây chính là chuyện mà dân chúng luôn muốn tránh.
– Cha không thuận đâu,
Sinh ca nhanh chóng nói, Hào ca cũng gật đầu thêm vào. Cơ ca và a Duyên thì không nói nửa lời. Đưa người khác vào vòng lao lý, tù tội, tụi nhỏ còn chưa có ý nghĩ đó bao giờ.
– Muội biết.
Mai gật đầu nói rồi bỏ qua cách này. Sinh ca trầm ngâm rồi cũng lên tiếng.
– Ta với mấy người thợ lành nghề sẽ nhận thêm việc đóng tủ bàn ghế, đồ dùng trong nhà. Cực nhọc hơn chút nhưng cũng kiếm đủ tiền,
– Mình mà chịu thua thì họ sẽ lấn tới cho coi. Mai mốt thì tới phiên đầu nậu gỗ, họ bán cho bên đó giá cao nên cứ kèo nài với mình,
– Lẽ thường là vậy, người ta ai chẳng tham tiền tài.
Cậu hai với Trần bá đi vào, cậu nhíu mày trầm giọng chặn lời của Cơ ca. A Duyên rút rút người cho nhỏ lại. Cậu hai nhìn một vòng rồi nói tiếp.
– Họ chỉ chăm chăm vào chúng ta, thanh thế họ đang mạnh, mình phải nhịn xuống một đỗi,
Mai chợt lóe lên một ý nghĩ.
– Cậu, vậy mình tương kế tựu kế đi. Họ muốn thấy mình lụn bại thì mình giả vậy. Hơn nữa, nhân dịp này mình cũng nên coi lại các mối hàng,
– Phải đa, ta hiểu rồi.
Hữu ca vẫn là nhanh nhạy nhất. Ca ấy nghĩ rất nhanh, rồi nói ra rất lưu loát.
– Một mặt mình tìm một chỗ ở ngay trấn lập cửa hàng bán đồ gỗ, một mặt mình giả như ít nhận đơn hàng ghe mới, chỉ sửa ghe đã bán thôi. Nguyễn gia biết tin chắc sẽ bắt đầu ép giá đầu nậu gỗ, tăng giá bán ghe. Chừng đó mình coi ai sao là biết,
– Ca, mình làm từ từ thôi, để Nguyễn gia chịu lỗ thêm thời gian nữa đi. Sắp tới muội sẽ gắng ra kiểu ghe mới để thợ lén đóng,
Hắc hắc, a Duyên cười khoái chí.
– Nếu muốn họ ra thêm ít tiền chi bằng chúng ta hiệp cùng các xưởng ghe nhỏ, mình bán gỗ thừa giá rẻ cho họ. Họ bán giá rẻ hơn cho khách. Mà chừng đó Nguyễn gia chẳng lẽ sẽ theo diệt từng xưởng sao? Ta không tin họ có đủ sức mà làm.
Trần bá bá lên tiếng làm cả đám cười cái rần. Đúng là gừng càng già càng cay, chiêu này của bá ấy coi như bồi thêm cho Nguyễn gia một đạp trước khi té ngã.
– Được rồi, con đưa a Mai về đi.
Cậu hai ra hiệu cho a Duyên làm nó phải đứng lên. Những chuyện chi tiết còn lại chắc không cần Mai nữa. Cô cũng đứng dậy ra khỏi phòng.
Bên ngoài trời đã chập choạng tối, gió thổi ào ào và hơi nước dày đặc.
– Sắp mưa rồi,
– Ừ, nhanh lên đi.
Mai với a Duyên nhảy lên chiếc ghe rồi cùng nhau chèo nhanh về nhà ngoại. A Sửu thấy cô thì mừng quýnh, nhào qua đòi cô ẵm.
– Đi đâu mà về trễ vậy?
Cả nhà đang dọn bàn ghế vào nhà trên, chắc là định ăn cơm ngoài sân mà trời chuyển mưa nên dọn vô. Vợ của Hữu ca vừa dọn chén vừa liếc a Sửu cười nói.
– Cả ngày chỉ trông nương mà! Uổng công mợ lột tôm luộc cua đút cho con,
– Con nít mà, hỏng trông nương thì trông ai đây?
A Sửu rất đúng lúc kêu má má, rồi dụi cả gương mặt vào cổ Mai như nhớ nhung dữ lắm. Mọi người cười cái rần làm nó cũng khanh khách cười theo.
– Bẩm, thiếu phu nhân có thơ!
Tiếng một người từ bên ngoài kêu lớn làm mọi người nhìn ra. Người cựu binh đang đứng ngoài cổng. Mai trao a Sửu cho nương rồi đi ra cùng với cha cô và a Duyên. Cô kêu a Duyên nhận lá thư từ người lính rồi hỏi.
– Thúc có lưu lại đây không? Công tử còn dặn gì không?
– Bẩm có, chúng tôi được lệnh ở lại để hộ tống thiếu phu nhân về Đông Hồ.
Vừa nói thúc ấy vừa chỉ ra chiếc ghe ngũ bản có thêm bốn người khác. May là cha nương tối nay vô đây, nếu không giờ trong nhà chỉ có đàn bà, cô sẽ không dám mời họ vô.
– Thúc mời mọi người lên nhà ăn cơm.
– Bẩm, không dám. Lúc nãy tôi thấy ngoài ngả bảy có xóm nhà, thương lái ở đó cũng vui. Chúng tôi xin phép ra đó.
– Vậy được, để ta đưa mọi người ra. Bến ghe ngoài đó là của nhà.
Cha Mai lên tiếng rồi phẩy tay kêu cô vô nhà. Cha với a Duyên lên chiếc ghe ban nãy cùng họ quay ra cửa tiệm. Mai không vội coi thơ mà cùng dọn mâm cơm để chờ cả nhà về ăn. Chưa được một khắc sau thì trời đổ mưa. Cơn mưa không lớn nhưng sấm rầm rầm, chớp sáng lóe vạch ngang bầu trời. Ngoại với nương vội ôm a Sửu vào trong nhà. Đầu mùa mưa không khí rất “hầm” làm con nít dễ sanh bệnh.
Làm ăn kinh doanh thật khó khăn. Haiz
Nguyễn gia chịu chơi ghê chi nhiều tiền ra chỉ để đốn hạ xưởng ghe bên này, về lâu về dài thì có mà mất cả chì lẫn chài nhé.