Chương 07: Về làng chài

Dựng nhà ở đây cũng đơn giản nên làm rất nhanh. Mới hôm qua còn đặt đòn tay thì hôm nay đã bắt đầu lợp mái bằng lá dừa nước. Lợp mái, dựng vách xong thì đắp nền, gắn cửa là xong ngôi nhà rồi.

Không khí ngoài sân nhà mới thật náo nhiệt, sáng sớm trời mát tinh thần mọi người hăng hái. Hơn nữa, sau một đêm ngủ ngon thì năng lượng cũng tràn trề.

– Đến rồi à, ta chờ ngươi bào đầu cột nè. Lưu tam này làm chẳng đẹp gì cả.

Bùi thợ mộc từ xa nhìn thấy cha Mai đã lên tiếng.

– Được, cháu tới liền.

Cha Mai cùng Bình ca đưa tay cột lại khăn đầu, vội vàng đi đến. Từ nhỏ a Bình giống như cái đuôi của cha. Là con trai đầu của ông nên đi đâu làm gì cũng mang theo. Mặc dù a Bình nhỏ tuổi hơn Cúc tỷ nhưng hiểu biết hơn nhiều. Một phần là được cha dẫn đi ra ngoài làm việc, gặp người; một phần là bản thân a Bình cũng học nhanh, chú ý nghe mọi người nói chuyện.

A Phúc cầm một nắm cỏ gà đến rủ tứ Mi chơi. Nhóc cũng khôn lõi chọn những cọng mập mạp, khoẻ mạnh trước mà làm bộ như chia đều. Mai cười cười liếc nhóc. Tứ Mi lần đầu chơi cỏ gà, rất phấn khích, thua thì nhăn mày, thắng thì cười ha ha. Đứa nhỏ ngũ Mi thấy vậy bò đến nhìn nhìn rồi chộp lấy cỏ gà trên tay chị. Ba đứa nhỏ quấn thành một cụm rối rắm làm mọi người nhìn đều cười.

Nương và Lưu bá mẫu vấn khăn, đội nón đi ra sân nhà mới. Hôm nay lợp mái, có một người đứng ở dưới chọn từng cặp lá đưa lên cho người đang ngồi trên mái. Người này sẽ lợp lá theo từng lớp, rất dày để không bị dột hay nắng rọi, rồi dùng sợi dây lạt buộc vào các cây đòn tay.

Người lợp lá cần có kinh nghiệm và cẩn thận, từng hàng lá phải đều và đẹp, dây buộc cũng phải đều tay, chắc chắn. Khi lợp xong, từ dưới nhìn lên từng hàng dây buộc đều đẹp, chắc tay sẽ biết chủ nhà có mời được thợ giỏi hay không? Nhà được dựng tốt hay không liền.

Hôm nay nương và Lưu bá mẫu đứng dưới trao lá cho Lưu bá và một người đàn ông tên Mã Thanh, nhà ở phía nam làng Đông Hồ.

Tam Mi và Cúc tỷ đang xếp mấy bó dây lạt ra phơi ở sân sau. Mai ra sân nhìn một lúc thì đi vào bếp xem nhóm a Phúc đang chơi. Mấy cọng cỏ đầu gà đã gãy hết, bị quăng ra ngoài cửa. Tứ Mi bế em đặt trên nền đất trống giữa nhà, đưa cho bé mấy trái dừa nước, mấy trái cau khô chơi. Cô bé lấy chậu xúc hai gáo đậu xanh vào, cũng ngồi gần đó lựa đậu.

Mai đi đến cùng làm. Đậu xanh trồng trên ruộng hái về, tách hạt xong lựa bỏ hạt sâu đem cất. Tuy nhiên, trước khi nấu cũng phải lựa lại lần nữa. Mấy hạt thâm nâu, bị sâu cắn cũng phải bỏ ra, xong rồi mới mang đậu ngâm nước, thấy hạt nào nổi lên cũng bỏ ra luôn. Ngâm nước mấy giờ cho đậu mềm thì nấu chung với khoai, đường thành món chè khoai đậu xanh.

Mấy đứa nhỏ rất thích món này, nhưng không được ăn thường. Khoai rất rẻ, đậu xanh mắc hơn một chút nhưng có thể tự trồng, mắc nhất là đường. Một cân đường giá bằng mấy cân gạo, mà không phải làng nào cũng có bán. Cho nên món chè đậu này chỉ dùng đãi khách, nhà có tiệc hay lâu lâu người lớn thương nấu cho con nít ăn một lần.

Tứ Mi và Mai vẫn còn lựa đậu thì Nương và Bình ca đi vào. Nương đưa túi tiền cho Bình ca rồi dặn:

– Con mua trước một tạ gạo, còn lại một nửa là mua khoai lang, một nửa mua khoai mì.

– Con nhớ rồi. Nương nói Tương huynh chờ con đầu đường, con về lấy ba cái bao.

– Ừ, con đi đi, nhớ cẩn thận.

Nương dặn dò thêm mấy câu nhớ buột chặt bao,… mới thả Bình ca đi. Mai muốn đi theo nhưng nghĩ lại vết thương nên thôi. Lần sau sẽ có cơ hội đi, nếu cha nương đã muốn chuyển đến đây ở thì chắc chắn sẽ có lần sau. Mai không nhớ rõ ‘hoàn cảnh’ ở làng chài cũng như lý do cha nương muốn dời đi nên cô không biết là tốt hơn hay không.

Chiều hôm đó, nhà Lưu bá nấu chè đãi mọi người, mấy đứa nhỏ rất háo hức. Mỗi đứa được một chén chè đậu, đường hơi ít nhưng chính vì vậy mà mùi đậu thơm lừng, khoai vừa chín tới dẻo ngon. Lưu bá mẫu cũng để dành mấy chén cho nhà thợ nào có con nít.

Sáng mai nhà cô sẽ về làng chài sớm, nên cha còn ở lại trò chuyện và chào nhóm thợ đàn ông. Lưu bá mẫu đưa khoai, chuối, cá muối cho nương mang về, còn cho một túi đường nhỏ nhưng nương từ chối. Mấy cái kia là của nhà trồng thì nhận được, còn đường thì phải mua giá cao, làm sao nhận của Lưu bá mẫu được.

– Nhà thiếm đến đây giúp, a Mai còn bị thương nữa, cầm về nấu chè ăn, ngại gì.

– Tẩu cho nhiều lắm rồi, đường giữ lại đãi khách, cho ngũ Mi nữa.

– Ta mong nhà thiếm đến đây, ở gần mà thân nữa còn giúp đỡ nhau. Người ở đây mới quen sao bằng hai nhà chúng ta.

Lưu bá mẫu nhỏ giọng nói. Mai thấy nương hơi nhăn mày rồi thở dài.

Chào hỏi, dặn dò xong thì trời cũng đã ngả bóng dài. Nhìn nương, Cúc tỷ, Bình ca tay xách tay mang đủ thứ Mai cũng thấy vui vui. Người nhà Lưu bá thật biết quan tâm, trong nhà có gì đều mang ra cho nhà Mai. Tấm lòng này làm người ta thấy ấm áp trong lòng.

Đến đây mới hai ngày, chỉ qua lại con đường này, nhìn phong cảnh xung quanh chỉ bấy nhiêu mà Mai có cảm giác rất gần gũi, thân quen. Ngày mai trở về làng chài rồi, bỗng nhiên lưu luyến, muốn nhìn nhiều thêm một chút, muốn thời gian dài thêm chút nữa. Phía xa trên vũng Đông Hồ có dáng một chiếc xuồng ba lá đang đi về phía làng trong.

– Cha, phía kia có chiếc xuồng. Cha đã đi đến xa trong đó chưa?

Mai hưng phấn hỏi cha, a Phúc quay nhìn về phía đó, nghiêng đầu chờ cha trả lời.

– Chưa đi xa như vậy. Ông nội con thì đã ở đó lúc nhỏ đó.

– Phải rồi tỷ, có lần ông kể trong đó có cá sấu, có ông mắt xanh nữa. Chúng ăn thịt người ta đó.

A Phúc nghe cha nhắc thì chen ngang nói, nhóc sợ nhất mà cũng thích nhất nghe kể chuyện cọp, cá sấu. Mai bỗng nhớ đến Bác Ba Phi trong các câu chuyện ở Miền Tây, nếu có Bác Ba ở đây chắc nhóc Phúc thích mê luôn.

Cả nhà dọn và phân chia các túi riêng nặng nhẹ khác nhau để sáng mai mang về làng chài. Túi nặng nhất đương nhiên do cha mang, là bao gạo. Gạo đã được giã bằng cối đá nên không sạch vỏ và trắng tinh như hiện đại mà vẫn còn lớp vỏ cám vàng nhạt.

Nương mang túi khoai mua và một túi nhỏ hơn là khoai nhà Lưu bá cho. Hai túi quần áo do Cúc tỷ mang. Bình ca thì vác một quài chuối lớn, loại này giống chuối sứ, nhưng trái không to bằng hiện đại. Mai nghĩ mấy loại rau quả này mọc tự nhiên, không phân bón nên trái chỉ vừa vừa, lúc chín cũng không chín đều mà những nải ở đầu chín thì những nải ở cuống vẫn còn xanh.

Mai và a Phúc mỗi đứa mang một cái rổ tre. Mỗi rổ chứa nhiều gói lá chuối có tôm rang muối, cá kho, đậu xanh,… Sáng mai sẽ hái rau cải xanh sân trước nữa. Dù mới đi xa mấy ngày mà hình như ai cũng nhớ nhà, trên mặt mọi người đều vui vẻ.

Một đêm bình yên cũng trôi qua. Trời chưa sáng cả nhà đã thức dậy. Nương và Cúc tỷ quét dọn nhà, lau chùi bàn ghế, sắc thuốc cho Mai xong thì trời cũng đã hửng sáng. Ăn vội hai chén cơm, gói một ít cơm và khoai nấu mang theo vào rổ thì cùng nhau đóng cửa rời nhà.

Gió sớm mang theo hơi lạnh làm Mai khẽ rùng mình, se lạnh nhưng cảm giác thật thoải mái. Bước trên con đường đất cỏ ướt sương mai, cô khẽ nhủ ‘về nhà thôi’.

Đến nhà Lưu bá chào tạm biệt, quay lại một chút đường đất, đến ngả rẽ thì đi về phía bắc để ra khỏi làng Đông Hồ về làng chài, về phía biển Phương Thành.

1 bình luận về “Chương 07: Về làng chài”

Viết một bình luận

error: Content is protected !!