Chương 03: Lợi ích và tình người

Những ngày sau đó bà Hai Sương dùng một ít tiền dành dụm bấy lâu của mình sắp xếp mọi chuyện. Hơn tháng sau khi má của Thanh phát hiện ra khác thường của con gái thì đã muộn rồi. Cái thai đã qua bốn tháng, đã rất vững chắc trong bụng Thanh, không có cách nào bỏ đi mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của cô.

Má cô giận dữ xung thiên, mắng chưởi con gái ngày đêm xong thì cùng với em gái của mình xuống nhà bà Hai Sương. Bà Hai Sương đã liệu trước tình huống này nên ngồi yên nghe mắng nhiếc, sỉ vả. Hai người khách còn đập phá một ít đồ đạc trong nhà. Nhưng dù thế nào thì họ cũng phải hạ giọng mắng chưởi, lớn tiếng thì xấu hổ với làng xóm. Đợi hai người họ đã hạ cơn giận phần nào, bà Hai Sương mới nhẹ giọng nói:

– Anh chị tính sao?

– Tính, tính cái … gì? Chẳng phải bà đã tính hết rồi hả? Bà đã lừa gạt con gái tôi, nếu tôi biết sớm thì đã không …

– A Di Đà Phật!

– Bà mà còn biết niệm Phật hả? Hết con trai rồi tới mẹ, hai người thật đúng là mẹ con, gạt gẫm lừa đảo con gái người ta.

– Chuyện nầy không phải một mình thằng Sang mà ra được,

– Bà,..

Má Thanh thật cứng miệng vì câu nói này. Đúng là ‘con dại cái mang’, má Thanh hậm hực lầm bầm trong miệng. Bà Hai Sương hơi mềm giọng nói:

– Tôi có nhà người quen gần nhà thương phụ sản ở Sài Gòn, để con Thanh sanh sản xong tôi sẽ nuôi đứa nhỏ. Cũng chỉ mấy tháng nữa thôi,

– Bà tính hay thiệt, bà có nghĩ tới con Thanh không? Con gái tôi là cái máy đẻ cho bà hả? Đúng là đồ …, tôi không để yên chuyện nầy đâu. Bà chờ đó!

Nói xong thì má Thanh xách nón, đá mấy cái ghế ngã nghiêng ngửa rồi mới rời đi. Tối đó, đợi ông nhà đi hội họp gì đó ở xã, mấy đứa con đi chơi hết thì má Thanh mới kêu cô ra mà nặng nhẹ tiếp. Bà vẫn không dám cho chồng hay chuyện nầy. Người ta nói con hư tại mẹ, ông ấy mà biết thì hai má con bà sẽ không yên thân. Nhìn con gái cúi mặt khóc rấm rức mà bà không khỏi đau lòng.

Em gái bà đã khuyên giải trên đường về chiều nay. Giờ chỉ có làm theo cách của bà Hai Sương là vẹn toàn nhứt. Vẹn toàn cái gì chứ, bà lại tức giận khi nghĩ tới vẻ mặt ‘đã đoán trước’ của bà ta. Được rồi, bà nhịn lần này, nhưng bà sẽ làm cho bà ta và đứa nhỏ không sống được yên ổn đâu, còn chồng bà ta ở trong trại nữa. Cả nhà bà ta sẽ không yên vì đã phá nát đời con gái bà. Tiếc là thằng Sang kia đã đi mất, nếu không bà cũng không để nó yên.

Hai má con không dám cho ba Thanh biết, nói dối là có người quen tìm việc làm ở thành phố rồi cuốn khăn gói mà đi.

Ngôi nhà mà bà Hai Sương thuê nằm trong con hẻm cách bệnh viện phụ sản mấy trăm thước. Thanh được mẹ và dì nói cho vỡ lẽ thiệt hơn xong thì quay lưng lạnh nhạt với bà Hai Sương. Cô bắt đầu hiểu ra nhiều điều, không còn ngây dại như trước nữa. Những tháng sau đó cô càng khó chịu vì dáng người, khuôn mặt đã thay đổi hẳn. Làn da thanh xuân đã có vết nám, quần áo mặc không vừa phải thay bằng hai ba bộ đồ vải ka tê rẻ tiền càng làm cô quạu quọ.

– Cháu mặc một hai tháng là bỏ rồi, để dành tiền lúc sanh nở, rồi còn sữa bột cho con.

– Sao bà nói bà sẽ lo chu toàn mà, như vầy sao? Tôi mà biết sớm thì tôi không giữ nó đâu.

Nói rồi Thanh ngoe nguẩy đi ra quán ngoài hẻm mà ăn chè ăn bún. Bà Hai Sương chỉ thở dài không nói gì. Từ khi lên đây ở, con Thanh đã như đổi thành người khác. Cũng phải, lúc có thai thì người đàn bà hay đổi tánh nết; bà cũng nghe loáng thoáng hai má con nó nói chuyện với nhau. Bà Hai Sương biết Thanh đang nghĩ gì về mình.

Trên đời này ai mà không ích kỷ, không vì lợi ích của mình chứ. Bà muốn được lợi phần mình nên không kể gì tới tai tiếng của con Thanh. Giờ nó biết rồi nên lạnh nhạt cũng phải thôi. Tình cảm gì đó với thằng Sang cũng không còn, tình cảm với đứa nhỏ trong bụng cũng không.

Lúc bà vào thăm ông ở trại, hay tin này ông ấy mừng rỡ một thoáng rồi cũng thở dài.

– Hoàn cảnh nhà mình vậy, liệu bà nuôi nổi không? Rồi tương lai nó ra làm sao? Phải chi trước đây thì chục đứa mình cũng lo xong.

– Tôi ráng được mà, có người nối dòng nối giống chứ.

– Dòng giống cái gì, còn gì nữa đâu mà trông bà ơi!

Gần mười năm nay ông ấy sống trong nỗi thất vọng triền miên, thế thời đã đổi; đúng là còn trông mong được gì!

Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng bà Hai Sương vẫn quyết ý giữ lại đứa bé này. Chỉ cần con Thanh sanh ra thì bà sẽ liệu lo được. Mỗi ngày bà nhìn thấy sự ghẻ lạnh, cáu kỉnh của con Thanh mà không khỏi lo âu, tâm tình của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến đứa bé trong bụng. Nhưng nếu bà lên tiếng thì con Thanh càng làm nghịch ý bà.

Để có thêm tiền dành dụm, bà Hai Sương đi tới lui xe đò mỗi ngày đế bán hàng bông. Bà mua rau quả ở dưới xã rồi mang lên đây ngồi bán đầu hẻm. Ban đêm bà còn bán cháo trắng hột vịt muối cho thân nhân nuôi bà đẻ ở bệnh viện. Sẵn tiện bà còn làm quen mấy cô y tá, hộ sinh để mai mốt con Thanh vô sanh còn nhờ vả.

Gần đến ngày sanh nở cũng là những ngày cận Tết. Lúc má Thanh lên thăm còn cằn nhằn xiên xỏ dữ hơn mọi lần. Bà ấy còn đòi một mớ tiền để đem về nhà ba con Thanh coi.

– Tôi nói nó lên đây ở may vá, ổng hỏi cắc cớ may vá gì mà Tết không về? Ổng nói nó không về thì ông từ nó luôn. Bà coi bà làm nhà người ta ra như vậy mà được hôn? Trời ôi, sao số tôi khổ vậy nè, sao số con gái tôi khổ vậy nè, bộ đẻ mướn không công hay sao?

Bà Hai Sương đành lấy số tiền định vào thăm nuôi ông mà đưa ra cho qua chuyện. Tối hai mươi tám Tết thì Thanh trở dạ muốn sanh. Một mình bà tới lui săn sóc trong bệnh viện rồi về nhà. Đứa nhỏ là con gái, bà hơi thất vọng một chút rồi cũng tự an ủi ‘dù gì cũng là máu mủ thằng Sang’.

Chuyện chăm sóc bà đẻ, trẻ sơ sinh làm bà bận rộn không buôn bán gì được. Những người quen cũ cũng đồng cảnh ngộ với bà, khó khăn trăm bề. Họ giúp được một ít để bà xoay sở rồi cũng không thể giúp nữa. Bà đành bán một công ruộng sau nhà. Vừa qua Tết mà bán gấp nên giá rẻ đến xót lòng.

Được qua hai tháng thì con Thanh không ở cử nữa, mà cũng không chịu con gái bú tiếp.

– Chuyện này từ rày về sau bác lo đi. Dì năm tôi nói cho bú hoài không được đâu. Tháng sau tôi qua nhà dì dưỡng lại rồi về nhà. Để không ba tôi ổng từ tôi luôn.

Bà Hai Sương gật đầu ôm bé Thư vào lòng. ‘Tội nghiệp con quá, để mà thương con nhiều hơn, bù lại cho con’, bà thì thầm nho nhỏ đặt đứa nhỏ xuống giường mình.

Thanh thu dọn đồ đạc của mình, không thèm thưa hỏi bà Hai cũng không ôm bé Thư mà bước nhanh ra khỏi ngôi nhà, lên xe đò đi khuất. Bà Hai Sương suy tính tới lui rồi trả lại ngôi nhà, ôm bé Thư về lại nhà ở ngoại ô sinh sống.

Chưa đầy một tuần sau thì hàng xóm láng giềng đều biết bà Hai Sương ôm ở đâu về một đứa nhỏ. Bà lên Ủy ban xã làm giấy khai sanh thì khai là con của thằng Sang, cháu nội bà nhưng không có giấy tờ gì của nhà bảo sanh hết. Ủy ban xã còn chưa đồng ý làm khai sanh. Người các miệng còn đồn là bà di trộm cướp con của ai đó mà đem về.

Bà Hai Sương phải mấy lượt tới lui, làm đủ các giấy tờ cam kết thì người ta mới cấp cho bé Thư tờ giấy khai sanh, mà là giấy tạm thôi.

– Nếu thời gian tới mà có người kiện cáo gì là bà hoàn toàn chịu trách nhiệm đó.

– Tôi chịu mà, mấy anh không phải lo. Không phải cháu tôi thì tôi nuôi làm gì, đâu có sướng ích gì đâu.

Đồng chí làm hộ tịch hơn ba mươi tuổi, đã có hai con nhỏ nên biết cực là thế nào. Nhưng mà khi không bà ta ôm về đứa nhỏ, không thấy ghi mẹ cha gì hết cũng khó để người ta không nghi ngờ.

Má Thanh ở đầu trên của xã lúc nghe tin thì cục tức nổi lên. Bà ta còn về đây ở, không phải đã bán ruộng bán đất rồi sao? Còn làm giấy khai sanh ở xã này nữa. Lúc con Thanh về đây mà dạng hình thay đổi quá, thế nào cũng có người xì xầm. Chuyện nó quen thằng Sang cũng có người thấy, thế nào chẳng suy đoán lung tung. Phải tính làm sao bây giờ? Được rồi, lần này thì mình không nhịn nữa. Bà ta và đứa nhỏ phải biệt dạng mới được!

Bà Hai Sương ôm đứa nhỏ ầu ơ trong tay. Bà nghĩ là hai bà cháu sẽ ở lại nơi này để chờ ngày ông ấy ra trại, biết đâu còn có thể chờ được con trai trở về. Ông gặp cháu, cha nhận con, một nhà đoàn tụ. Nhưng mà chỉ chưa đầy sáu tháng sau thì hai bà cháu phải xa xứ rồi.

2 bình luận về “Chương 03: Lợi ích và tình người”

Viết một bình luận

error: Content is protected !!