Những ngày tháng năm của thập kỷ 1980, ở một xã vùng ngoại ô nghèo nàn vẫn còn tan tác sau cuộc chiến. Cô gái vừa tròn tuổi đôi mươi hay tin người yêu trốn đi đâu mấy hôm nay, thì ra anh ấy đã vượt biên theo người ta đi tìm miền đất khác. Sao anh không nói với mình? Mình còn, mình còn chưa kịp báo cho anh hay chuyện cái thai nữa.
Bây giờ mình phải làm sao đây? Trời ơi!
Nếu ba má biết sẽ đánh mình chết, sẽ bắt mình bỏ cái thai nầy hay đuổi mình ra khỏi nhà luôn?
Cô gái ngồi im lặng, chìm trong những lo lắng và oán trách người con trai đã đi xa không một lời từ giã. Cơn tức giận dâng trào làm cô đứng dậy đá cây đòn gánh và hay thùng nước lăn lông lốc xuống ruộng. ‘Sở khanh, đồ sở khanh!’. Cô vẫn không dám lớn tiếng, mà chỉ rủa thầm trong miệng.
Quanh đây có rất nhiều người qua lại, cô không thể để người ta biết được. Phải, mình phải giấu kín được chừng nào hay chừng đó. Nghĩ đến đây thì cô đứng dậy đi xuống ruộng tiếp tục gánh nước tưới mấy giồng trồng nấm đang nhú búp.
Những ngày sau đó cô gái cứ lo lắng, hốt hoảng làm bể chén, đổ nước khiến cho má cô la mắng liên miên. Tệ hơn là bà dì hàng xóm sang nói chuyện còn lớn tiếng nói:
– Mấy bữa rày gà xóm trên cứ gáy rộ chập chín mười giờ đêm. Nhà ai có con gái chửa hoang chớ chẳng không.
Cô hết hồn xém làm đổ cả ly nước trên tay. Mình không thể dấu được nữa rồi, phải làm sao bây giờ? Cô vội lấy nón lá đội lụp xụp trên đầu, còn mặc thêm cái áo khoác rộng rồi xin má ra nhà bạn chơi.
– Đi thì về sớm lo tưới mấy giồng nấm rơm đó.
– Dạ, con nhớ rồi má.
Cô nhanh chân đi ra khỏi nhà, chờ chuyến xe đò đi xuống cuối xã. Ngồi trên xe mà cô rướm nước mắt. Trước đây anh hay chở cô đi bằng chiếc xe đạp cũ, dù đường xa hay trưa nắng, chỉ cần cô nói muốn đi công chuyện nhà hay đi chơi nhà bạn thì anh đều chở cô đi. Cô ghét nhứt là ngồi xe đò, xe cũ kỹ dơ dáy, không có cửa kính cửa sổ nên bụi bay mù mịt.
Nhà anh nằm khuất phía trong con đường đất nhỏ. Mấy chục năm trước trong thời chiến, chính quyền muốn tạo thành ấp chiến lược nên dồn dân về sống thành cụm dọc theo liên tỉnh lộ nầy. Từng dãy nhà xếp thành hàng, mặt tiền, mặt nhì mặt ba. Lúc đó cha anh làm sĩ quan thường xuyên ở Sài Gòn nên ông dặn mẹ anh chọn nhà phía trong cùng, chủ yếu làm nơi thờ phượng ông bà tổ tiên. Anh và mẹ anh cũng hay ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về đây.
Ngờ đâu thế cuộc xoay vần, thắng thua định xong thì mọi thứ đều thay đổi. Cha anh đi học tập cải tạo trong trại, ít nhất cũng mười lăm năm. Mẹ con anh phải dạt về đây sống. Mấy căn nhà ở Sài Gòn đều phải bỏ hết, không dám tranh giành gì với người ta. Cô nghe nói mẹ anh trước kia một bước lên xe thì giờ lam lũ với mấy công ruộng cũ vừa kiếm sống để nuôi chồng trong trại cải tạo vừa nuôi con trai. Mà anh cũng đã nghỉ học lâu rồi. Với bản lý lịch đó thì anh sẽ chỉ sống bằng nghề ruộng rẫy, yên phận thủ thường mà thôi. Có lẽ anh đã nhận ra tương lai của mình nên anh quyết chí ra đi.
Ngôi nhà mái ngói ba gian cũ kỹ lặng lẽ bên cạnh cái hào lớn, phía sau có sân vườn rộng. Sau nữa là ruộng vào mùa khô chỉ còn rơm rạ và mấy cây đậu bắp, mấy giồng nấm rơm. Cô gọi lớn:
– Bác ơi! Bác có nhà không?
– Có, ai vậy? Chờ chút.
Người đàn bà gần năm mươi tuổi, quần áo sạch sẽ, tóc bới gọn sau đầu đội khăn đi lên.
– Ủa, Thanh, cháu mới tới hả?
– Dạ, bác.
Bà Hai Sương rất nhanh đã nhìn ra tâm tình cô gái không yên. Gần một tháng nay thằng Sang trốn đi, con nhỏ chắc vẫn còn lo lắng không yên. Bà đã cản ngăn nhưng con trai bà vẫn quyết ý. Một nữa số vàng cất giấu bà đã đưa cho nó, không biết bây giờ nó thế nào rồi? Sống chết ra sao?
Chuyện nhiều thuyền vượt biển từ Vũng Tàu hay Phú Quốc gặp lúc biển động, lạc hướng hay gặp cướp biển phải bỏ thây giữa đại dương. Tệ hơn nữa gặp phải kẻ lừa đảo, nhận tiền người vượt biên xong thì không đến điểm hẹn, còn báo chính quyền tới bắt; hay chở ra chỗ nào đó rồi để mặc họ tự sanh tự diệt. Biết như thế mà thằng Sang vẫn muốn đi, phó mặc may rủi nên bà chỉ còn cách mỗi tối đốt nhang cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho nó đặng bình an.
Hôm trước Thanh nghe tin xong đã chạy tới khóc lóc hết nước mắt. Bà chỉ còn cách an ủi nó hãy quên đi thằng Sang mà tìm hạnh phúc mới. Bà biết chờ đợi chỉ vô vọng mà thôi, hơn nữa còn liên lụy nhà con Thanh nữa. Ba má nó vốn đã phản đối chuyện hai đứa quen nhau rồi. Mấy ngày nay nghe tin thằng Sang vượt biên, bà cũng đã bị kêu lên xuống ủy ban xã mấy lượt để khai báo đủ thứ. Chồng bà ở trong trại chắc cũng không yên, đành phải chịu cho qua. Giờ ông bà có còn gì nữa đâu, bà thở dài xót xa cho tình cảnh phân ly của mình.
– Bác, bác ơi! Con khổ quá, giờ con biết làm sao đây?
– Sao vậy cháu, có gì thì ngồi xuống đây, nói bác nghe coi.
Bà Hai Sương kiên nhẫn chờ đợi Thanh qua cơn xúc động. Nhìn đôi mắt Thanh đỏ hoe, đã hơi sưng lên bà nói:
– Có chuyện gì vậy? Mắt cháu sưng lên rồi kìa, không khéo bà con làng xóm thấy được thì không nên đâu cháu.
– Dạ, híc, hic. Ba má cháu mà biết chuyện này, làng xóm biết chắc cháu chết quá, cháu bị cạo đầu đem vô chùa tu luôn, bác ơi!
Lúc nầy, bà Hai Sương mới nhìn kỹ lại gương mặt và dáng dấp cô gái. Bà hơi hoảng hồn hỏi nhanh:
– Cháu, cháu có .. rồi hả?
– Dạ, hic hic, dạ phải. Ảnh nói không sao đâu, dù sao mai mốt cũng là vợ chồng. Dù ba má con cấm cũng không được, giờ sao đây? Chắc con chết quá, bác ơi!
Bà Hai Sương bước qua ngồi kế bên Thanh. Nó đúng là trẻ người non dạ, cái gì là chết sống. Đâu phải ai muốn chết mà được, con người ta đều có số hết. Bà vừa an ủi cô gái vừa suy tính trong đầu. Cái thai này là cháu nội bà, phải chăng Trời Phật đem đến cho bà một hy vọng mới. Thằng Sang không biết sống chết ra sao, giọt máu này là muốn lưu lại cho bà.
Nhưng mà còn con Thanh thì sao? Chưa chồng mà chửa là tội lớn, mang tai tiếng cả đời. Ba má nó có tiếng tăm trong xã này, họ sẽ không chịu cho con Thanh sanh ra đứa nhỏ này đâu. Rồi còn chuyện mai sau của con Thanh nữa. Mấy ngày trước bà đã khuyên nó quên thằng Sang đi để tìm hạnh phúc mới. Giờ thì sao, có ai mà chấp nhận vợ mình mất trinh thất tiết, còn có con hoang nữa. Nhưng mà để con Thanh phá bỏ đi đứa nhỏ thì bà lại không cam lòng.
– Sự thể thành ra vậy rồi, giờ cháu đừng khóc nữa, nghe bác hỏi.
– Dạ,
Bà Hai Sương lựa lời mà hỏi, chuyện này bà rất khéo léo. Bà đã từng làm bà lớn, giao thiệp với bao nhiêu người rồi thì dễ dàng tìm hiểu tâm ý của cô gái trẻ đang hoảng hốt này theo hướng mà mình muốn.
– Cháu thấy đó, thằng Sang giờ sống chết chưa biết. Dù thế nào thì bác sẽ thay nó lo liệu cho cháu và đứa nhỏ. Chuyện nầy nhà cháu biết sẽ phiền lắm. Để bác sắp xếp xong rồi bác cháu mình định liệu, cháu thấy được không? Thai nầy mấy tháng rồi?
– Dạ, hơn ba tháng rồi. Bác tính sao cho vẹn, cháu rối quá rồi. Ba má cháu biết chắc đánh cháu chết luôn.
– Được rồi, đừng mở miệng là chết sống. Nè, cháu cầm đỡ ít tiền nầy thèm ăn gì thì mua ăn. Mấy lúc nầy phải cẩn thận, đi đứng hấp tấp quá không được. Mà nhớ thèm gì cứ ăn, bác chạy tiền rồi đưa thêm. Mai bác đi tìm cách liền, nhớ đừng để nhà cháu hay.
– Dạ, vậy, vậy ngày mốt cháu tới.
– Ừ, giờ cháu về kẻo trễ lại bị nghi ngờ.
Lúc Thanh đi khuất khỏi con đường, bà Hai Sương đốt mấy nén nhang lên bàn thờ khấn vái nhỏ nhỏ. Mong Trời Phật thứ cho tội ích kỷ của bà, bà phải giữ lại giọt máu của con trai mình.