Chương 2: Hoạn lộ

Từ những ngày đầu nhóm thương nhơn người Việt đi tới vùng đất phía nam cho đến khi Nguyễn vương đặt chế độ hành chính, cai quản xứ nầy cũng ngót nghét hơn trăm năm rồi. Người mới tới sanh sống đã thành người cũ, chính sách khuyến khích mở mang điền địa dần đi vào qui củ, có nề nếp lớp lang rồi luật lệ hẳn hòi. Theo đó là những chức quan trông coi quản lý điền địa, thu thuế, làm giấy tờ, coi sổ sách; và người ta đồn với nhau rằng chức vụ đó tuy có cực nhọc dãi nắng dầm mưa nhưng cũng gom góp được rất nhiều thứ.

Lời đồn đãi có lúc thật lúc giả, có người tin người không, Võ Thủ Hoằng không chỉ tin vậy mà đã bắt đầu bước trên con đường đó, hôm nay là ngày đầu tiên y tới nơi làm việc mới ở Kho Đồn Điền nội thành thành Quy. Trước đây y đã từng tới nội thành vài lần nhưng chỉ cúi đầu đi theo người khác, chẳng dám nhìn ngó nghiêng xung quanh. Sáng nay, y đã dậy từ lúc gà gáy canh tư, tới cửa Củng Thần khi trời vẫn còn mờ tối, cửa thành chỉ có vài người đứng đợi. Y ngó quanh, hầu hết người tới đều là thơ lại hoặc mấy vị quan cửu phẩm mà thôi. Thủ Hoằng chắp tay chào hỏi vài người quen, giọng nói và nét cười đều chừng mực, lễ độ. Đây chính là điểm đáng nhớ nhứt của y, bất kể ai gặp qua y đều sẽ lưu lại ấn tượng nầy.

Võ Thủ Hoằng chào hỏi vài người xong liền thấy người cùng cấp của mình, Đinh Văn Bửu từ đàng xa đi tới. Cả hai chào hỏi nhau rồi Thủ Hoằng chậm lại mấy bước để Văn Bửu đi trước dẫn đường. Nói hai người cùng cấp cho sang vậy thôi chớ cả hai người đều chưa được xếp vô ngạch bậc nào, đều gọi là Nhập lưu thơ lại, phụ tá hay chạy việc cho quan Thổ lại mục, là tòng cửu phẩm, trong Kho Đồn Điền. Thủ Hoằng nhường Văn Bửu đi trước vì dầu sao người ta cũng đã làm việc ở đây hơn một năm ròng, lính canh cửa thành đều quen mặt. Hai người xếp hàng cùng với nhóm thơ lại khác lần lượt đi qua cửa Củng Thần. Qua cửa xong, đoàn người đi thêm một đoạn tới ngả tư thì chia thành từng nhóm nhỏ đi về chỗ làm việc của mình.

Kho Đồn Điền là toà nhà rộng lớn, tường xây mái ngói, có rất nhiều gian. Trời vừa rựng sáng, sương đêm còn giăng giăng, Thủ Hoằng nhìn toà nhà rộng lớn trầm mặc mờ tối mà không khỏi mỉm cười, mấy ngón tay xoa nhẹ vào nhau bên dưới ống tay áo. Y thấy Văn Bửu đang nói chuyện với lính canh nên giả bộ bước ra xa chút, thực ra là y muốn nhìn ngó mấy toà nhà xung quanh đó. Y từng nghe nói toà nhà phía bên kia là Thế Điện, nơi ở của Đông cung Thế tử, nhìn từ đây y không thấy được toàn bộ Thế Điện nhưng y vẫn còn nhớ, vào ban ngày, Thế Điện lấp lánh sáng vì được thếp vàng trang trí, dĩ nhiên là tráng lệ hơn kho Đồn Điền nầy nhiều.

Trong lúc Thủ Hoằng định rướn người nhìn xa hơn về phía Hoàng cung thì Văn Bửu lên tiếng gọi.

– Thủ Hoằng, lại đây, chào hỏi huynh đệ để biết mặt nhau, mai mốt tới lui cho tiện.

Thủ Hoằng lập tức bước nhanh tới, chắp tay tươi cười chào hỏi nhóm lính canh, họ vừa mới phiên trực giữa đêm và ngày nên nói vài câu rồi cũng bắt đầu công việc.

Văn Bửu mở khoá cổng lớn toà nhà rồi cả hai đẩy cánh cửa nặng nề sang hai bên, ép vô tường bao. Bức tường bao xung quanh toà nhà chỉ cao qua khỏi đầu người chút, có mấy chỗ cao hơn để cặm đuốc chiếu sáng khi cần. Khoảng sân thật rộng, có mấy lương đình để hóng mát nhưng đang được tận dụng đế chất mấy bao lương thực gì đó. Thủ Hoằng đã biết cách sắp đặt trong toà nhà nầy nên không nhìn ngang ngó dọc mà thong thả theo sau Văn Bửu.

Thủ Hoằng vẫn lén quan sát thần sắc trên mặt Văn Bửu, y vẫn luôn tự hỏi liệu Văn Bửu có biết rằng hai người sẽ tranh nhau vị trí Thổ lại mục sẽ trống vào năm sau hay không?

Y là người bổn xứ, sanh sống ở phủ Tân An từ nhỏ nên quen biết nhiều người. Năm ngoái, y đã nghe lọt tin tức rằng vị Thổ lại mục ở kho Đồn Điền nội thành Quy sẽ trở về nguyên quán vào năm sau, vậy nên y mới không tiếc công sức tiền của, lót đường trải chiếu để được vào làm ở chỗ nầy. Mà nói thật ra mục tiêu của y không phải là vị trí Thổ lại mục mà là chính là Thổ huyện thừa, tòng bát phẩm. Bằng kinh nghiệm mấy năm qua đi đo đạc điền thổ khắp nơi, y biết rằng vị trí kia là ‘đắt’ nhứt đa. Thổ huyện thừa là chức quan không cao không thấp, bên trên có nhiều người quản nên không có nhiều quyền hành hay oai vệ gì, bên dưới cũng chỉ có vài người để chạy việc bớt đi chút khổ cực. Cái mà Thủ Hoằng nhắm tới chính là cái dấu đỏ mà Thổ huyện thừa nắm giữ, đóng một dấu xuống thì lập đất điền địa đổi chủ, người chủ mới sẽ có thêm tài vật; lúc đó người chủ mới chắc chắn sẽ tặng lễ tạ ơn. Haiz, tuy rằng Thủ Hoằng rất muốn có oai quyền nhưng so với tiền tài thì cái gì cũng xếp phía sau.

 Nè, Thủ Hoằng, chỗ của đệ phía bên kia. Coi quét tước dọn dẹp, giờ mão là chầu vương thượng đa.

Văn Bửu rốt cuộc cũng lên tiếng, đưa tay chỉ về phía hữu của gian nhà đầu tiên, nơi có mấy gian phòng nhỏ cho thơ lại làm việc. Thủ Hoằng gật đầu rồi nhanh tay lẹ chơn đi tới chỗ được chỉ dẫn. Cùng lúc mấy người chạy việc khác cũng tới, gian nhà thoáng cái xơn xao tiếng người vừa nói chuyện vừa tranh thủ chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Mỗi ngày đức Kim thượng sẽ thượng triều vào đầu giờ mão, khi đàng đông vừa rựng sáng. Nhóm thơ lại như Thủ Hoằng đương nhiên là không được tới sân chầu nhưng họ vẫn phải ngừng làm trong một khắc để chào đón đức Kim thượng lên trào.

Thủ Hoằng nhìn theo các đồng sự mà làm, bề ngoài là vậy nhưng y tâm trí y đã quay lại với toan tính trong đầu. Kho Đồn Điền nầy là nơi chứa lương thực và các đặc sản từ địa phương chuyển tới để phục vụ cho Hoàng gia, còn lại là kho lương thực cung cấp cho quân binh trong thành. Ngoài ra đây cũng là nơi cất giữ tất cả các sổ sách điền địa của xứ nầy. Chỗ mà Văn Bửu chỉ cho y ngồi là nhóm người lo việc quân lương, y liếc nhìn cái lưng thẳng tắp của vị Thổ lại mục đang đứng trang nghiêm hướng về sân chầu. Coi ra Thổ lại mục và Văn Bửu đã bàn tính với nhau hết rồi, hai người không để cho y quản tới việc có liên quan tới Hoàng gia và điền địa. Coi ra y đã tốn tiền vô ích rồi!

Sau một khắc nghiêm trang, khi tiếng trống chầu vừa dứt thì mọi người đều khom lưng cúi chào rồi kết thúc lễ. Thổ lại mục, tên là Phạm Lương Hựu, đưa mắt nhìn Thủ Hoằng rồi mới chậm rãi đi vô chỗ ngồi của mình. Thủ Hoằng biết ý chắp tay đi theo sau.

Lương Hựu ngồi xuống, uống một hớp trà thông giọng rồi mới nói:

– Đệ đã quen biết mọi người ở đây rồi, không cần xã giao cầu kỳ. Công việc thì đệ biết qua rồi, … tốt rồi. Sắp tới mùa thu hoạch, quân lương sẽ chở về nhiều, trước mắt đệ coi lại mấy gian nhà kho bên kia, sắp xếp lại, sổ sách cũng chỉnh tề chút, … haiz, …

Thổ lại mục thở dài chừng như muốn nhắc tới người đã từng nhận việc nầy trước đây rồi lại thôi. Thủ Hoằng chắp tay tiếp lời.

– Tạ ơn đại nhơn chỉ dẫn. Trước đây là trước đây, bây giờ thuộc hạ làm việc dưới quyền đại nhơn thì mọi việc đều nghe ngài sắp đặt.

– Ờ, đúng là biết ăn nói, ha ha …

Thổ lại mục Lương Mục cười lớn, ra vẻ phóng khoáng và vừa lòng. Sau đó hắn phất tay gọi một người tới, biểu người nọ dẫn Thủ Hoằng ra mấy gian nhà kho, bắt đầu công việc.

Thủ Hoằng nhìn người tên Đặng đang đi phía trước mình, người nọ đã lớn tuổi, chừng bốn mươi rồi, nhìn không được khoẻ mạnh mà chơn còn bị tật nữa. Y biết người nầy vốn là tiểu đội trưởng trong quân theo hầu đức Kim thượng trước đây, vì bị thương nên không còn đánh trận được nữa, lui về làm việc vặt mấy năm nay. Tuy anh Đặng sức khoẻ không tốt lắm nhưng làm việc cũng chu đáo, lại từng lập công trong quân nên không ai dám khinh thường.

Hai người đi tới gian nhà kho đầu tiên, anh Đặng chỉ cho Thủ Hoằng chỗ chất bao lúa đã được kiểm tra, chỗ nào còn chưa được coi qua. Thủ Hoằng cứ theo phía sau anh Đặng, vừa nghe vừa ghi chép mấy chữ vô cuốn sổ nhỏ trong tay. Có mấy lần anh Đặng cố ý đi tới gần muốn coi, Thủ Hoằng không giấu diếm đưa ra, miệng cười tươi nói:

 – Tôi viết nhanh nên hơi xấu, anh coi …

 – Tôi không biết chữ nào.

Thủ Hoằng há miệng cứng đơ, lát sau mới tìm được lời đáp ổn thoả.

 – À, tôi … tôi thì không biết võ nghệ gì!

Trong buổi sáng nay, Thủ Hoằng nhận ra rằng chuyện làm quan thăng chức rồi thu vét tài vật của mình không yên ổn chút nào. Những người ở kho Đồn Điền nầy thiệt sự … thiệt sự là một lời khó nói hết. Thổ lại mục là kẻ nhận tiền hối lộ, hứa hẹn đủ điều rồi lại chẳng chớp mắt mà phân bổ cho y công việc nặng nhọc nhứt ở kho Đồn Điền, Lương mà chẳng có lương; anh Đặng coi kho lương thực mà không biết một chữ, vậy sao làm, chẳng lẽ chỉ nhớ trong đầu, Đặng mà chẳng đặng! Người có thâm niên luồn cúi, miệng lanh tay lẹ như y mà chẳng thể nào ứng phó kịp. Người ta hay nói quan lộ là hoạn lộ, thiệt chẳng sai đa!

Viết một bình luận

error: Content is protected !!