Chương 03: Mộng sông hồ

Một đêm dài lặng lẽ trôi qua. Khi trời sắp rạng thì mưa bắt đầu rơi, chỉ là cơn mưa bụi nhưng cũng khiến người ta không muốn thức dậy. Nguyên Chiêu lo rằng cơn mưa sẽ cầm chưn nhóm bạn chèo ở lại cồn lâu hơn nhưng thời may chưa tới hai khắc sau trời lại quang đãng, nắng sớm còn gay gắt hơn hôm qua. Nhóm bạn chèo ăn sáng qua loa bằng khoai nóng và ít tép khô rồi lên tàu rời cồn. Nguyên Chiêu theo họ qua bờ bên kia, nhờ người đem thơ về cho cha báo tin rằng hắn theo lệnh của thầy làm vài việc riêng, sẽ về nhà sau.

Nguyên Chiêu đợi chiếc tàu đi xa rồi thì vào trong xóm nhỏ gần đó. Hắn tìm nhà có chiếc xuồng ba lá hỏi mướn trong vài ngày.

– Thầy tôi để quên vài món đồ nên tôi muốn chở về nhà cất giữ. Đợi sau này gặp thầy mới trao lại.

Người đàn ông chủ ghe nói.

– Còn chưa có đánh tới đây mà tiên sinh lại dời đi, làm mấy ngày nay tụi tui lo rầu quá, chưa biết tính sao nữa! Công tử thấy nên đi hay ở?

Nguyên Chiêu nhìn dọc theo con rạch nhỏ, bông dừa nước ửng màu cam trong nắng sớm. Kim Chấn thuộc dòng dõi hoàng gia, điều này không còn nghi ngờ, nhưng là vị hoàng thân nào, thuộc phe nào thì thầy không nói mà hắn càng không biết. Thế nên hắn không biết những người tìm kiếm Kim Chấn là những ai, dữ hay hiền, ừm mà chắc không hiền đâu. Giữa lúc loạn lạc như vầy, người hiền khó mà sống thọ đa.

– Không ai biết chiến địa sẽ lan tới đâu, tốt nhứt là mọi người gói ghém đồ thiết yếu cho sẵn, hễ có động thì chạy.

– Phải đa, công tử lấy xuồng đi.

– Được, đúng hẹn tôi đem ghe tới trả.

Người đàn ông gật đầu liên tục. Người ở xóm nhỏ bên này đều biết mặt các học trò của Sùng Đức tiên sinh bên kia. Huống hồ Đỗ công tử đã tới học vài năm, tướng mạo và nhơn phẩm đều nổi trội thì làm sao người ta không nể trọng. Đó là chưa kể vài thiếu nữ trong xóm còn vụng trộm thầm nhớ, họ hay viện cớ biếu bánh trái để nói chuyện vài câu.

Nguyên Chiêu một mình chèo xuồng ba lá trở ra cồn. Lúc nãy hắn lén để lại mấy củ khoai ở ngăn tủ trong bếp, chắc là Thanh Hoa sẽ tìm thấy, không cần nhịn đói chờ hắn.

Nói ra thì cũng tội cho Nguyên Chiêu, lo lắng suốt trên đường trở lại cồn Thanh Qui chỉ uổng công. Thanh Hoa ăn hết khoai, còn có hai hũ mứt trái cây xong thì bắt đầu rủ rê Kim Chấn chơi đá cá. Nàng ấy đương nhiên biết con cá nào ‘chiến’ nhứt nên nàng luôn thắng. Lúc Nguyên Chiêu bước vào cổng đã thấy Kim Chấn bị phạt vì thua độ, còn Thanh Hoa mặt mày hớn hở, hai lúm đồng tiền hiện rõ hai bên má.

– Bị muội ấy dụ chơi đá cá à?

Kim Chấn không trả lời, Thanh Hoa cười hắc hắc rất đắc ý.

– Muội đó, Kim Chấn không có phải như Văn Tâm đâu. Đừng có đùa cợt quá trớn!

– Huynh cũng thấy Kim Chấn giống Văn Tâm hả?

Kim Chấn vừa bị phạt làm tượng xong, nghe nói mình giống ai đó tên Văn Tâm thì nhiu chặt mày. Hắn là duy nhứt, không ai đặng phép giống hắn hết. Hèn chi, từ lúc nàng ta vớt mình đem về đây thì luôn rất thân thiết, không hề cảnh giác đề phòng gì, tại vì mình giống tên Văn Tâm đó, chắc là một học trò nhỏ của Sùng Đức tiên sinh.

Kim Chấn chưa kịp tỏ rõ sự bực bội vì bị coi như là người thay thế thì Thanh Hoa đã vói tay ra, nhéo má hắn nói.

– Đâu có giống y chang, cái tên Văn Tâm đó phải đặt là vô lương tâm mới đúng. Từ hồi về nhà tới nay chưa hề biên thơ cho muội. Hơn nữa hắn mập mạp còn ương bướng, đâu có gầy ốm với lễ phép như …

Thanh Hoa chưa kịp nói hết lời đã bị Kim Chấn gạt mạnh cánh tay. Hắn xoay người đối mặt với nàng, sắc giận nổi lên làm đôi tròng mắt long lanh đen thẳm. Nguyên Chiêu nhận ra cơn giận của Kim Chấn nên bước nhanh tới, chen vào giữa để khuyên can.

– Muội đó, là người quen thì đùa giỡn một chút không sao nhưng sau này ra bên ngoài phải biết kềm chế. Bằng không thì huynh không dẫn muội ra ngoài nữa, ở lại đây chờ thầy,

– Hả? Huynh nói muội được ra ngoài … không phải chỉ qua làng xóm bên mà là đi … đi xa ơi là xa luôn hả?

Thanh Hoa nhảy vọt lên vì vui mừng, may là Nguyên Chiêu né kịp, bằng không thì chắc hắn bị trúng vô cằm rồi thành cắn lưỡi mà chết chớ chẳng không.

– Muội được ra ngoài … được đi chơi, thiệt không đó? Huynh không gạt chớ! Huynh thệ đi … thệ là nếu …

Nguyên Chiêu lắc đầu, mỉm cười nhìn niềm vui lấp lánh trong đôi mắt Thanh Hoa.

– Ừm, đúng ha! Huynh rất nghiêm túc … sẽ không gạt muội đâu! Mà chừng nào đi? Đợi gặp cha rồi đi hả?

– Không, huynh dẫn muội đi. Thầy đã dặn trong thơ rồi!

– Đi với huynh … với đệ ấy, … vậy cha mẹ cho phép không? Chắc chắn là cha nói vậy?

– Thầy cho phép mà. Huynh khác nào người thân của muội, hay là không muốn đi nữa?

– Ai nói, đi chớ! Được, từ bây giờ huynh là người thân của muội. Vậy chúng ta đi đâu? Muội đã mơ ước lâu lắm rồi đa!

Thanh Hoa chạy vào phòng, lấy ở dưới gối ra một quyển sách nhỏ màu xanh.

– Hồi nhỏ, cha mẹ hay kể chuyện đã từng du ngoạn ở đâu, muội đều ghi chép lại. Mình cũng đi khắp nơi giống vậy đi … hay là ra tuốt kinh đô luôn! Muội muốn ra đó quá!

Một lần nữa, đôi mắt của Kim Chấn trở nên lạnh lẽo, cơn giận lúc này càng âm trầm và khốc liệt hơn. Đôi môi mỏng mím thành một đường, làn da trắng trẻo tái xanh, gân mạch hằn thành nét.

Nguyên Chiêu không lại gần Kim Chấn mà nói lớn với Thanh Hoa còn đương cúi đầu trên trang sách.

– Muội chuẩn bị đi, chúng ta rời khỏi đây.

– Dạ, để muội thả mấy con cá đã.

Thanh Hoa vui vẻ ôm lấy hai chậu nhỏ, chậm rãi đi ra hào nước; vừa đi nàng vừa nói chuyện với bầy cá. Nguyên Chiêu đợi nàng ấy đi xa rồi mới khẽ gọi Kim Chấn.

– Kim Chấn, … công tử … xin tỉnh lại. Giờ không phải lúc giận dữ.

– Huynh nói gì?

Kim Chấn giựt mình, kềm chế cảm xúc của mình rồi nhìn Nguyên Chiêu. Sáng nay, từ chỗ Thanh Hoa hắn đã biết đặng thân thế của Đỗ Nguyên Chiêu. Thực là kỳ diệu, người này chính là con trai của Đỗ Thành Nhơn, chủ soái của cánh quân Đông Sơn đã có công cứu giá vào hai tháng trước.

Sau khi đánh lui quân Tây Sơn, Vương thấy tình hình của các đạo quân không hòa thuận, đấu đá lẫn nhau, họ đều muốn tranh công trạng để giành lấy thế lực trong quân. Vương đương lúc yếu thế, tùy tùng thân tín chẳng có đặng mấy người lại vì ở miền biên viễn này chưa quen thủy thổ nên mới lệnh cho hắn tách ra để coi ngó xung quanh. Lần đầu tiên hắn tới vùng đất này, cả tiếng nói còn nghe chưa rõ nên chỉ có thể mặc cho tùy tùng dẫn lối. Đoàng người của hắn giả làm thương lái lui tới các thị trấn trù phú và phố chợ phồn thịnh. Dần dần hắn cũng học đặng nhiều thứ, cũng may là hắn vốn rất thông minh đỉnh ngộ, từ giả giọng người bản địa cho tới nghe ngóng tin tức gì đều nhớ.

Mấy ngày trước, đoàn người của hắn liên tiếp gặp nạn; bị nhóm thương lái khác giở trò gian lận chiếm hết tiền bạc. Sau đó, tàu đi vào khúc sông dữ, gặp lúc mưa lớn nên tàu chìm. Một cận tướng đã kéo miếng gỗ lớn để hắn ôm lấy, mặc cho dòng nước cuốn trôi. May sao, tới đây thì Thanh Hoa cứu kịp.

Sùng Đức tiên sinh cứu chữa cho hắn rồi hỏi hắn định sẽ làm gì. Lúc đó hắn đã không ngần ngại ‘nhờ’ người ở Thanh Qui cư đưa hắn đi tìm tùy tùng của mình, đương nhiên hắn cũng hứa hẹn chuyện trả công. Hắn còn chưa biết người chữa trị cho mình là ai, chỉ cảm thấy lão nhơn này râu tóc bạc trắng, y thuật tinh thông nên đoán là một lang y nào đó. Nếu như hắn biết lão nhơn đối diện là Sùng Đức tiên sinh nổi danh thì hắn sẽ không thất lễ như vậy.

Mấy ngày sau đó, nhờ có Thanh Hoa hắn mới biết mình hiện ở đâu và Thanh Qui cư là chỗ ở của ai. Lão tiên sinh đã cho học trò nghỉ học về nhà để tránh cảnh loạn ly, ba nhà dân hàng xóm cũng lục đục dời đi. Trên cồn chỉ còn lại ba người nhà Sùng Đức tiên sinh và hắn.

Hai ngày trước, khi thương tích hắn đã khỏi thì lão tiên sinh mới nói với hắn dự định của mình.

– Công tử cũng thấy rồi, lão và tiện nội tuổi già sức yếu không thể đi đàng xa. Lão đã viết thơ dặn học trò, lớn hơn công tử vài tuổi, cũng từng đi lại nhiều nơi, tên là Nguyên Chiêu. Chừng vài ngày nữa là Nguyên Chiêu sẽ tới đây, chừng đó công tử muốn tới đâu, nó sẽ dẫn dắt.

– Vậy được. Tạ ơn lão tiên sinh.

– Không dám, việc nên làm thôi. Công tử cứ an tâm nghỉ ngơi.

Lúc đó hắn còn tưởng là lão tiên sinh sẽ ở lại cho tới khi học trò của mình tới. Ai ngờ hôm sau đã có thuyền tới đón phu thê họ rời cồn. Hắn sợ rằng họ sẽ bỏ lại mình nên trong lòng nổi lên căm giận. Tới khi hắn biết Thanh Hoa ở lại cùng mình thì bắt đầu thả lòng. Hắn ở đây nhiều ngày, đương nhiên nhận ra lão tiên sinh và phu nhơn trân quý cô nàng Thanh Hoa kia cỡ nào. Họ chắc chắn sẽ không để nàng ta gặp nguy hiểm.Thực vậy, chiều tối hôm đó Nguyên Chiêu đã tới cồn. Nhưng vì Nguyên Chiêu đi cùng với nhóm người lạ nên hắn buộc phải ẩn mình để tránh phiền phức.

Cho tới bây giờ hắn vẫn không biết Sùng Đức tiên sinh nhận ra thân phận của hắn hay chưa; cũng có thể lão tiên sinh chỉ suy đoán chớ chưa biết chính xác danh tánh của hắn. Cái tên Kim Chấn là do hắn tự mình đặt lúc giả thương lái, sẽ không thể dựa vào tên mà truy tìm tông tích. Thế nhưng, như Thanh Hoa đã nói, da dẻ hắn trắng trẻo mịn màng khác hẳn những người khác, điểm này không cách nào che dấu nên có thể đã khiến lão tiên sinh nhận ra dòng dõi hoàng tộc của mình.

Lúc nãy, Nguyên Chiêu nói rằng sẽ dẫn Thanh Hoa đi cùng làm hắn thoáng chút vui mừng, sau đó lại bâng khuâng tự hỏi Sùng Đức tiên sinh có ý định gì. Thời buổi loạn lạc, Thanh Hoa là gái, bôn ba cùng hắn và Nguyên Chiêu sẽ có ít nhiều nguy hiểm. Lẽ nào, lão tiên sinh vì giấc mộng sông hồ, du sơn ngoạn thủy của Thanh Hoa nên mới định thành toàn cho nàng ấy? Hay là chuyến đi này còn mục đích khác, nhứt là người dẫn đường lại là con trai của tướng quân Đông Sơn? Không lẽ họ đoán ra chuyện mình gỉa dạng thương lái để dọ thám tình hình và chiêu quân mãi mã? Không thể nào! Mình sẽ dò hỏi Thanh Hoa, tiếc là câu nói tiếp theo của Nguyên Chiêu đã chặt đứt toan tính của hắn.

– Thanh Hoa … muội ấy chưa từng đi xa khỏi xóm nhỏ bên kia. Thầy muốn nhơn chuyến đi này để muội ấy biết thêm chuyện nhơn tình thế thái. Lẽ ra thầy cô muốn tự mình chỉ dẫn nhưng tình thế không cho phép … mong công tử đừng chấp nhứt. Muội ấy có gây lỗi gì, công tử cứ tính toán với tôi.

– Huynh chẳng phải họ hàng thân thuộc gì,

– Thầy tôi đã cho phép rồi!

Kim Chấn nhìn kỹ Nguyên Chiêu. Hai người đương mắt đối mắt thì đối tượng được họ nhắc tới xuất hiện. Quần áo đã thay đổi, còn quải một túi vải sau lưng.

– Huynh coi, muội giống người hành tẩu giang hồ, lấy trăng làm đèn, lấy gió làm chăn chưa?

Kim Chân khịt mũi quay lưng tới chỗ của mình để sửa soạn. Đúng là kẻ không biết gì, đi ra ngoài mà ăn vận quê mùa như vậy chỉ thiệt thân. Giống như nàng ta, chủ khách điếm đuổi thẳng ra đường, không cho ở thì phải ngủ ngoài đường chớ sao. Chừng đó thì rất giống với lời của nàng ta rồi! Để coi chịu đặng mấy đêm!

Nguyên Chiêu ráng nhịn cười, hắn không muốn làm tiểu sư muội mất hứng đa. Hễ muội ấy vui thì hắn mới vui!

– Đưa túi đây. Muội ngụy trang chút nữa, đừng để người biết trên ghe có người khác ngoài huynh, hiểu không?

– Biết rồi! Để muội coi nên lấy cây lá gì che đây, …

Thanh Hoa hào hứng chạy ra vườn cây sau nhà, bắt đầu bẻ nhành cây, cắt dây leo rồi lấy cả lá chuối che người mình lại để ngụy trang. Ừm, nàng tốn nhiều thời gian như vậy, lúc nằm sát xuống sàn ghe giữa trưa nắng gắt mới cảm thấy thật đắc ý. Cây lá che nắng cho nàng, ngủ thêm một giấc dài.

Trong khi đó, Kim Chấn không che chắn gì đành phải chịu nắng hong khô người. Hắn mặc kệ, hắn còn mong nắng làm da sạm bớt. Nguyên Chiêu cũng chẳng thảnh thơi, một mình chèo chống xuồng ba lá băng ngang sông rồi chèo dọc tới ngôi làng xa hơn, nơi mà ít người biết dạng hắn và Thanh Hoa.

Sau đó, hắn mướn người đem trả xuồng cho chủ. Ba người ngủ một đêm ngoài bìa rừng. Thanh Hoa kê tay làm gối nhìn lên trời đêm, nàng không ngờ rằng mơ ước thuở nhỏ lại thành sự thực. Ở tuổi của nàng, thiếu nữ qua mười lăm đã phải rành rẽ nữ công gia chánh để chuẩn bị xuất giá. Nàng có thể du ngoạn một phen như vậy là nhờ dưỡng phụ và dưỡng mẫu ban cho. Nàng cảm tạ ân tình của hai người, rồi nhìn vì sao sáng nhứt thầm cầu nguyện cho hai người đặng bình an.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!