Chương 352: Vòng xoáy trôn ốc

Hai ngày đêm liên tục xuôi dòng về Vũng Gù, chưa tới nơi đã thấy xa xa một đoàn tàu có cờ phướn bay phấp phới. Chuyện Ceilo muốn quay trở ra nhanh hơn thật đúng lúc, khỏi khiến người khác đợi chờ. Đoàn tàu đó nhác thấy hai chiếc tàu của Mai xuôi tới thì đã tách bến dẫn đầu. Họ muốn gặp nhau trên tàu luôn, chuyện gì mà gấp gáp vậy.

Tối hôm đó, khi Mai bước qua chiếc Linh Xà của Trần Tứ thì gặp mặt Ấp Kim Lân đang đứng trên boong nhìn ra xa xa. Mai bỗng nhiên có chút cảnh giác với người này. Cô nhìn Trần Tứ  thấy hắn gật đầu trấn an cô.

Trong gian phòng nhỏ có Trần nhị Đại Định và cả Mạc Tứ Lân nữa. Mai kéo a An lặng lẽ ngồi vào góc xa của cái bàn dài. Ceilo, Duarte và Rui Poh có chút hứng thú, mỉm cười ngồi xuống ghế cạnh Mai. Đại Định thấy mọi người đã yên vị liền bắt đầu giới thiệu từng người.

Theo lời nhị công tử Trần gia Đại Định, Ấp Kim Lân là thương lái, hiệp tác với Mạc đại nhân từ rất lâu. Hắn chuyên bán những sản vật quý hiếm nên giao thiệp rất rộng, đặc biệt với quan lại ở Nam Vang và Xiêm La. Mai nghe Trần Đại Định giới thiệu nhanh và muốn bỏ qua chi tiết mà hơi nhếch môi. Sản vật quí hiếm là gì mà các quan lại và hoàng tộc yêu thích phải giao du, thật là đáng ngờ.

– Tứ đệ nghe nói các vị muốn thăm dò hải trình để cập cảng ở Đông Hồ phải không?

Lời cuối cùng của Đại Định đã trả lời thắc mắc của Mai và nhóm Ceilo. Đây là lý do mà mấy người bọn họ tụ tập và muốn bàn luận gấp gáp như vậy. Duarte gật đầu đáp lời sau khi nghe Rui Poh dịch.

Mạc Tứ Lân lên tiếng.

– Gia phụ trước nay giao tiếp thương thuyền từ cửa Bassac. Nay cũng muốn thử dựng cảng Đông Hồ, nên chúng ta muốn cùng các vị đi qua hải trình này. Các vị thấy sao?

Vì Rui Poh cũng không phải hiểu hết tiếng Bồ La nên ai nấy đều cố gắng nói ngắn gọn và đi thẳng vào ý chính, không dài dòng văn tự như bình thường. Ceilo và Duarte nhìn nhau rồi quay qua hỏi Mai về những người có mặt ở đây.

Tuy rằng Đại Định đã giới thiệu ban đầu nhưng Duarte biết là bên trong có ẩn nội tình. Ông ấy dùng tiếng Bồ La viết lên giấy.

– Cô nghĩ sao? Họ là đại diện thế lực ở vùng đất nầy phải không?

Mai nhìn nhanh những người có mặt rồi gật đầu. Trần Tứ và Đại Định là đại diện cho Quốc Công nước Nam Việt, họ quyết định bàn bạc ngay trên khúc sông vừa dựng lũy Vũng Gù này là để khẳng định họ chính người cầm trịch trong chuyến đi. Mai là người Việt, cô cũng muốn như vậy nhưng cả nhà cô lại đang sống ở Đông Hồ thuộc quyền quản lý của Mạc gia thế nên cô phải cẩn trọng.

– Cô nương có tham gia không?

Câu hỏi của Ceilo làm Mai khó trả lời. Cô nhìn sang An ca rồi nói nhỏ vào tai ca ấy. Phía bên kia Trần Tứ khẽ lắc đầu. Hắn không muốn nhà Mai tham gia vì lo có nguy hiểm hay có nguyên nhân khác?

Trong lúc Mai và a An đang suy nghĩ thì Ceilo đã lấy viết vẽ một sơ đồ lên giấy. Nếu họ xây dựng Đông Hồ thành hải cảng sẽ ảnh hưởng lớn đến thế cuộc nơi đây. Các thế lực nào muốn bành trướng đều sẽ giành phần tham gia, mối lợi rất lớn; đương nhiên đi kèm theo nguy hiểm chẳng kém.

Chưa kể đến chuyến đi này thành bại thế nào, một khi hải trình mới được mở thì việc thu thuế, mua bán rồi quân sự sẽ theo đó mà phát triển. Nhà Mai hiện là thế yếu nhứt, nhưng họ vẫn không bị gạt ra vì cô là người khởi xướng. Hơn nữa, Mai đoán là Đoàn bá đã phát hiện chiếc tàu và thủy thủ của Ceilo có lợi thế trên biển.

Nếu Mai không tham gia lần này sẽ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một, còn tham gia thì nên cử ai đi. Rồi chuyện sau đó, nhà cô sẽ nhập vào vòng xoáy danh lợi, tiền tài và thế lực. Khi đã tham gia rồi rất khó thoát ra an toàn, ai cũng sẽ bị cuốn vào, liệu mình có sẵn sàng chưa?

Mai nhìn sơ đồ Ceilo vẽ xong, kéo nhẹ về phía mình rồi mượn cây viết bổ sung vào các quần đảo Coh-tral và các đảo nhỏ gọi là đảo Hải Tặc. Cô hỏi Ceilo vị trí tương đối của Phi Luật Tân. Lúc nầy, nhóm người Ấp Kim Lân đã tới gần bàn hơn để nhìn kỹ sơ đồ.

Mai vừa phác tay vừa hỏi hắn.

– Ấp công tử chắc biết vị trí Xiêm La, có phải ở đây không?

– Phải, xuống đây một chút là Mã Lai Á.

Ai nấy đều nhìn vào sơ đồ vừa được phác ra. Từ Phi Luật Tân, người Bồ La đi vào cửa sông Bassac hay tới Trấn Biên sẽ gần hơn đi Đông Hồ. Nhưng người Xiêm La và Mã Lai Á tới biển Xà Xía rất gần. Sự thật là tàu thuyền Xiêm La đã tới vùng biển Xà Xía từ lâu nhưng chưa có nhiều giao thương một phần vì họ cũng bị nạn cướp biển, phần khác là thương lái nội địa không chọn Xà Xía hay Đông Hồ làm điểm trung tâm.

Như vậy dựng cảng Đông Hồ sẽ lợi cho phía Ấp Kim Lân và Mạc gia nhiều hơn. Phía Ceilo và Duarte cũng có lợi về thời gian và đặc biệt họ sẽ tiếp cận nhanh với Chân Lạp và Xiêm La; không chỉ là làm ăn với thương lái lớn như hiện nay mà có thể giao thương với Quốc vương hay hoàng tộc các nước nầy.

– Tôi cần phải hỏi ý người nhà mới định được là có đi chuyến này hay không, được chớ?

– Được, được rồi, chúng ta nên đi mấy chiếc? Hành trình ra sao?

Ấp Kim Lân gật đầu rồi nhanh chóng hỏi tới những chuyện quan trọng cần chuẩn bị. Hơn một canh giờ sau đó, họ bắt đầu nói nhiều về chuyện sắp xếp tàu thuyền, người đi, hành trình và các nguy hiểm có thể gặp phải.

– Mấy tháng tới là mùa gió chướng, dông thuyền từ đây tới đó sẽ rất nhanh. Ta nghe nói có đợt gió mạnh tàu đánh cá bị thổi trong vòng một đêm thì tới luôn.

Ấp Kim Lân kể tỉnh bơ, đương nhiên là hắn không nhắc tới chuyện người trên tàu đó đã chết hết, chỉ có xác tàu là bị thổi trôi vào bãi biển Xà Xía mà thôi.

Đến khi trăng lên cao cuộc hội thoại mới kết thúc, từng nhóm người rời khỏi chiếc Linh Xà. Lúc Mai đi ngang qua Trần Tứ, cô thấy hắn nhíu mày rồi mới quay đi. Mai hơi ngạc nhiên nhưng không nói gì. Lúc vào cái sập nhỏ trong góc để ngủ Mai mới chợt nghĩ ra ‘Trần Tứ đang giận cô sao? Là vì cô không từ chối tham gia chuyến đi này. Vì cô phớt lờ ý kiến của hắn lúc nãy’.

Chuyện này thực sự quan trọng, ảnh hưởng tới tiền đồ cả nhà Mai nên cô muốn hỏi ý kiến mọi người trước. Việc dựng cảng Đông Hồ rồi giao dịch với người Bồ La thì Mai biết là nhà mình chắc chắn làm được. Còn chuyện nầy thì cô không dám định. Nếu để Ceilo và Duarte thấy Mạc gia chiếm lợi thế rồi nghiêng về phía đó thì sao? Mình sẽ tốn công không, đâu thể dâng khách hàng của mình cho người ta được. Dù Ceilo có vẻ thích cô vì cô biết nói tiếng Bồ La nhưng nếu nhà cô rút lui, chứng tỏ mình không dám mạo hiểm thì đã mất phần rồi.

Rồi chuyện hải trình mới sẽ lôi kéo thêm nhiều thương lái khác đến Đông Hồ. Nhà mình phải đứng hàng đầu để tìm khách hàng mới chớ. Với số ngà voi sẵn có, Mai có thể giữ chân khách quý, rồi bán thêm các nông sản khác nữa.

Nghĩ tới đây, Mai lại ngồi dậy nhìn ra mặt sông mênh mông. Nhà mình phải nối dài tay tới miệt trong này để mua các hàng nông sản tốt. Vậy thì cái hang thứ ba nên là ở đâu, Trấn Biên hay phủ Tân Bình. Trong lòng Mai đã chọn rồi. Nhưng chuyện làm ăn không thể chỉ dựa trên cảm tính mà phải dùng lý trí nữa.

Hai ngày sau đó Trần Tứ vẫn còn giận Mai nên không nói chuyện gì với cô. Nhưng dù sao đoàn tàu đã về tới Trấn Giang nên ai nấy đều bận rộn. Mai và An ca lập tức về nhà trong chợ để tìm thất thúc. Không ngờ thúc ấy đã về Đông Hồ từ mấy ngày trước.

Dì năm cô vui vẻ nói.

– Cháu sắp có thiếm út rồi ha. Vừa dỡ hàng xong là hai người lên ghe về ngoải liền.

Mai cười cười mà lắc đầu hết ý kiến luôn. Lần nầy Mai thưa với cậu hai đi cùng cô và An ca về nhà.

Đã cuối tháng chín rồi, những ruộng lúa đã làm đòng, màu trắng bông lúa nở xen kẽ màu lá xanh thật đẹp. Nước lụt cũng đã đổi dòng, những đàn cá bắt đầu hành trình quay ngược lên thượng nguồn. tại những ngả ba sông rạch, nhiều nhà neo ghe giăng lưới chặn dòng cá. Lu hủ trong nhà đều tận dụng làm mắm ăn quanh năm; những dây cá phơi khô trong nắng mang mùi vị rất đặc trưng.

Trên đường đi ngang qua chợ Sông Lớn gặp Trương bá đang thu mua hàng hóa. Bá ấy để lại cho Trương tam thúc lo rồi theo về cùng. Mai nói sơ lại chuyện đi dò mở hải trình mới. Cậu hai và Trương bá nghe xong đều yên lặng suy nghĩ. Dù sao cũng phải về tới nhà cô mới định đoạt được.

Từ đàng xa Mai đã phát hiện ra vũng Đông Hồ thay đổi. Mới hơn tháng cô rời đi mà khi quay về lại mang cảm giác lạ lạ quen quen. Trương bá cười nói.

– Bữa Mùng chín là cúng khai trương lấy ngày cho bến phà Giang Thành đa. Ta nghe nói trước Tết nầy là Mạc dinh dựng xong đó. Năm nay ăn Tết vui rồi đa!

Đúng vậy, Mạc dinh dựng ở đây rồi thì Đông Hồ đã thành trấn trung tâm, phú quý và phồn thịnh chẳng còn xa. Quan trọng hơn là Mạc đại nhân sẽ không thể bỏ lơ Đông Hồ khi có biến nữa. Nhà mình đã an ổn bảy tám phần rồi, không lo chuyện giặc cướp vào làng nữa, chỉ lo làm ăn phát tài thôi. Mai thở ra thoải mái, nỗi lo lắng nhứt trong lòng đã không còn. Chuyện làm ăn kinh doanh thì còn coi thời vận, dù sao thì nhà cô sẽ không đói được

Mà kể từ đây, Đông Hồ đã đóng một vai trò khác trong cục diện của vùng đất này; là một điểm trong vòng xoáy thế cuộc của dòng thời gian.

1 bình luận về “Chương 352: Vòng xoáy trôn ốc”

Viết một bình luận

error: Content is protected !!