Chương 002: Nguyễn gia

Bà sanh được ba con, hai trai và một con gái ở giữa. Nhưng thời gian bà sống cùng con dâu Châu thị này là lâu nhất. Bà đã nhìn Châu tiểu thơ từ một bé gái chưa biết trâm cài lược giắt đến nay đã qua bốn mươi rồi. Gần bốn mươi năm hai người đã cùng nhau trải qua gian nan vất vả. Thời cuộc xoay vần, ba người con của bà bị cuốn theo vòng chiến tranh danh lợi. Chỉ có con dâu trưởng này luôn bên cạnh chăm lo cho bà. Cũng may con trai trưởng có nghĩa, không phụ lòng con dâu.

Nhìn mái tóc mình đã bạc hơn nửa, thái phu nhân không khỏi thở dài. Bà đã sống qua một đời người rồi. Giờ nhìn thấy con trai thành danh, cháu nội khoẻ mạnh, lại được trở về quê hương. Thật không tiếc một đời này.

Bao nhiêu năm chung sống đã làm hai người đàn bà thấu hiểu và trân trọng duyên phận này. Nguyễn phu nhân rất thuần thục vấn mái tóc đã bạc của lão phu nhân theo kiểu mà bà ưa thích.

– Trần lang y đang ở bên ngoài. Người muốn ăn sáng trước hay để lang y bắt mạch trước?

– Để Trần lang y bắt mạch trước đi. Ta không sao, chỉ hơi mệt nên ngủ dậy trễ thôi.

Vừa nói lão phu nhân vừa vỗ nhè nhẹ lên cánh tay con dâu. Bà vốn là thường dân áo vải, sống vất vả từ lúc chạy nạn đến đây nên luôn dậy sớm. Chỉ có những lúc bệnh hoạn mới dậy trễ như hôm nay. Nhìn con dâu thong dong nhưng chắc trong lòng lo lắng lắm. Chắc nó đã đến đây từ sớm, vừa chờ bên ngoài vừa thỉnh lang y. Khắp thiên hạ này có mấy ai được như bà, mà bà cũng thương mến con dâu này còn hơn con gái ruột của mình.

Nguyễn lão phu nhân năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi, dáng dấp hơi nhỏ, lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng sức khoẻ vẫn còn tốt. Ít ra là sau gần một tháng đi thuyền từ kinh thành về đây vẫn an ổn.

– Ta hốt mấy thang thuốc dưỡng thân. Lão phu nhân uống vào sẽ dần hồi phục.

– Đa tạ Trần lang y.

– Không dám, là chức trách của thuộc hạ. Cáo từ.

Hậu viện dù sao cũng không thể ở lâu, Trần lang y viết xong thang thuốc giao cho tổng quản thì lui ra ngoài tiền viện. Trần lang y là tuỳ tùng của Nguyễn Trấn thủ đã nhiều năm, nên ông cũng hay xem mạch chẩn bệnh cho lão phu nhân khi cần thiết.

Trần lang y vừa đi thì Trương di nương và tỳ nữ đến thỉnh an. Trương di nương trẻ tuổi xinh đẹp, đang ở thời xuân sắc. Nhưng qua dáng điệu đoan trang dễ dàng nhận ra Trương di nương cũng thuộc con nhà gia giáo. Chuyện Trương di nương được nạp vào làm thiếp cho lão gia cũng là chuyện hi hữu. Người tốt tính sẽ nói đó là duyện phận giữa Nguyễn trấn thủ và Trương di nương. Người xấu miệng sẽ dèm pha là Nguyễn trấn thủ nhân cơ hội hà hiếp ân nhân thân cô thế mỏng.

Dù là lời gì thì cũng đã tám năm rồi. Thời gian là thước đo lòng người, thật giả sẽ hiện chơn. Qua tám năm, Trương di nương hạ sanh nhị thiếu gia Nguyễn Văn Minh, còn được lão phu nhân và phu nhân chánh thất coi trọng nên trong phủ cũng không còn lời ra tiếng vào.

Ba người đàn bà bên này nói vài chuyện sắp xếp trong nhà, còn ở sân tập thì Nguyễn trấn thủ đang cùng tuỳ tùng luyện võ. Nguyễn Trấn thủ đã ngoài bốn mươi nhưng rất tráng kiện. Dáng người ông thẳng tắp, gương mặt phong sương nghiêm nghị. Những lúc luyện võ thế này mới thấy được uy nghi của vị Bình Tây Đại tướng quân một thời.

Ở bên phải sân tập có một thiếu niên mười sáu mười bảy tuổi, diện mạo anh tuấn, mày rậm mắt sáng đang cùng đấu với võ sư. Thiếu niên này là đại công tử Nguyễn Văn Lâm, con trai trưởng của Nguyễn Trấn thủ. Những năm này đại công tử theo phụ thân rèn luyện chăm chỉ, sức vóc đã vượt trội hơn so với các thiếu niên cùng tuổi. Sức lực thiếu niên cũng không nhỏ, nhìn qua không kém bao nhiêu so với võ sư của mình.

Đứng trong sân tập còn có nhị công tử Nguyễn Văn Minh, đôi mắt chăm chú không rời nhìn đại ca đang đấu võ. Năm nay nhị công tử mới tám tuổi nên chưa được học nhiều quyền cước mà vẫn còn tập đứng tấn, luyện thế. Nhị công tử rất say mê luyện võ nên không khỏi nóng nảy muốn vượt lên học nhanh hơn. Mấy lần nhị công tử đã chịu phạt do tính tình nóng nảy của mình.

Ai dám phạt? Đương nhiên là phụ thân Nguyễn trấn thủ rồi. Ông nổi tiếng là người nghiêm khắc, trị quân rất nghiêm. Đối với hai con trai lại càng nghiêm khắc hơn.

Mặt trời chưa lên nhưng mồ hôi nhỏ dài ướt đẫm khăn vấn đầu của mọi người. Thời điểm này là bắt đầu mùa mưa, nhưng vài cơn mưa đầu mùa chưa xua tan được cái nóng nực. Nguyễn trấn thủ khoát tay ra hiệu ngừng luyện tập. Các tuỳ tùng không vội giải tán mà theo bước ông đi về phía sân bên này. Đại công tử vẫn tập trung tinh thần trong từng đường quyền. Nhị công tử thấy phụ thân đi đến thì hành lễ rồi đứng bên cạnh xem.

Vị võ sư tuổi đã ngoài bốn mươi, chòm râu đen ngắn hơi rậm làm gương mặt xương xương càng nhỏ hơn. Dáng người ông không cao lớn, chỉ ngang với đại công tử. Kinh nghiệm thực chiến của ông thì không nghi ngờ gì, vượt trội hơn đại công tử rất nhiều. Từng đường quyền ông vung ra đều đúng vào khoảng hở của đối phương. Nhìn trận đấu có vẻ ngang nhau nhưng người luyện võ nhận ra ngay đại công tử đã dùng tám phần lực, còn vị võ sư chỉ dùng năm sáu phần. Đánh lâu dài thì biết ai sẽ nắm phần thắng.

– Được rồi.

Tiếng Trấn thủ làm hai người dừng quyền, xoay người chắp tay hành lễ.

– Phụ thân.

– Tướng quân.

Trần thủ gật đầu nhận lễ rồi nói:

– Phương Ưng, càng ngày càng linh hoạt. Nghe nói ngươi có thế võ mới.

– Bẩm tướng quân phải.

– Được lắm. A Ngạc, ngươi lên đi. Để hắn ra chiêu mới ta xem thử.

– Tuân mệnh.

Hai người bước ra sân chuẩn bị đấu. Đại công tử lui về đứng sau lưng Trấn thủ. Đôi mắt chăm chú hưng phấn nhìn hai người giữa sân, quên những giọt mồ hôi còn đọng trên cổ áo.

Không chỉ riêng đại công tử, mọi người trên sân đều hưng phấn muốn xem thế võ mới của Phương Ưng sư phụ. Gọi là sư phụ vì hầu hết người đứng đây ít nhiều đều nhận sự chỉ dạy của ông. Kể cả Trấn thủ cũng không ít lần giao đấu và luận bàn võ thuật với ông. Phương Ưng tuổi ít hơn nhưng thiên phú và lãnh ngộ võ thuật vượt trội. Cả đời ông chỉ quan tâm đến các thế võ và luyện khí công.

A Ngạc tên là Nguyễn Văn Ngạc, hộ vệ thân tín nhất của Trấn thủ, luôn một bước không rời, như hình với bóng. Từ lâu rồi người ta đã thấy a Ngạc đứng sau lưng Trấn thủ, không ai biết nhiều về gốc gác, thân nhân của y. Nhưng ai nấy đều biết chuyện y đã từng hai lần đưa thân cản gươm và đỡ một viên đạn cho Trấn thủ. Không ai nghi ngờ lòng trung thành của y.

Trên sân Phương võ sư và Ngạc hộ vệ đã bắt đầu. Võ sư tinh thông các loại quyền cước, ra chiêu linh hoạt, khó đoán. Ngạc hộ vệ thì từng chiêu rõ ràng, mạch lạc, không màu mè nhưng luôn khiến đối phương lo ngại vì sức sát thương.

Lúc đánh nhau sợ nhất là phân tâm, nhưng đây là luyện tập nên võ sư hô lớn chiêu thức mới. Mọi người đứng xem càng hưng phấn theo dõi từng chiêu mới của Phương võ sư. Trấn thủ hơi nhíu mày nhìn võ sư nhanh nhẹn di chuyển tránh đòn rồi vòng ra sau đánh vào huyệt đạo trên lưng và thắt lưng Ngạc hộ vệ. Hộ vệ chỉ kịp né một chiêu, chiêu sau bị đánh trúng phần trên hông đau điếng, người lập tức vả mồ hôi, lạnh toát.

Phương võ sư dừng chiêu, đỡ hộ vệ, rồi quay lại chắp tay với Trấn thủ.

– Cái này là biến chiêu từ võ Tây Sơn.

– Phải thưa tướng quân. Năm đó giao chiến thuộc hạ không ít lần quan sát các chiêu thức của họ. Mấy năm nay thử tìm biến chiêu phá giải.

– Nhưng biến chiêu này lại có nhược điểm. Nếu không đủ nhanh nhẹn và linh hoạt tất không thể dùng.

– Tướng quân đã nhìn ra rồi. thuộc hạ đang nghĩ cách khắc phục.

– Tốt lắm. Ngươi chọn vài người nhanh nhẹn luyện tập trước. Có kết quả trình ta hay.

– Tuân mệnh.

Nhóm người giải tán sau cái khoát tay của Trấn thủ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!